.

Nỗi đau của mẹ

.

Nhiều đấng sinh thành cả cuộc đời chỉ sống vì con, dốc sức nuôi con khôn lớn với mong ước con có cuộc sống tươi đẹp hơn cha mẹ. Nhưng rồi “niềm hy vọng” ấy đã phá nát sự kỳ vọng của mẹ cha, đẩy họ đến tận cùng của đớn đau…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Trời vừa chạng vạng sáng, người phụ nữ ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) liền hối thúc người quen chở giúp đến UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Vừa đến nơi, bà vội vàng chạy đi tìm địa điểm diễn ra phiên tòa lưu động, lật đật ngóng tìm bóng dáng con trai. Thời gian vẫn còn sớm, hội trường lác đác người, bà thở dài thườn thượt, thất thểu ra cổng ngồi đợi. Xe chở phạm nhân vừa chớm đến, bà bước thấp bước cao đuổi theo. Thấy con trai rời xe, bà ôm mặt khóc tức tưởi.

Bà là mẹ của bị cáo T.Q.D (SN 1994), bị truy tố về hành vi “Cướp giật tài sản”.

Vụ án của con trai bà là vụ án thứ 3 được tòa đưa ra xét xử vào buổi sáng hôm ấy. Người đàn bà ở quê lần đầu dự khán phiên tòa cứ nhấp nhỏm, lấm lét như người làm sai sợ bị bắt quả tang; thảng hoặc lại giật bắn mình, run lẩy bẩy khi nghe tiếng động mạnh vang lại từ đâu đó. Chưa một lần tỏ tường mặt phố, bà thấy cái gì cũng lạ, dăm ba phút lại khều khều người bên cạnh hỏi cái này, cái kia. Người đàn bà ở quê có con trai đối diện với án tù trong suốt phiên xử cứ loay hoay một mình với câu hỏi: “Con ơi con, mẹ phải làm sao bây chừ?”.

2. Rồi, như không ghìm được lòng, bà kể về cuộc đời mình. Câu chuyện được kể bằng chất giọng chân chất, mươi câu thì hết tám câu lặp lại chữ “nghèo”. Cái nghèo sẵn có từ lúc bà sinh ra cho đến tận khi lấy chồng, sinh con. “Nhà tui có cái chi mô, cái ăn còn chạy vạy từng bữa. Thứ quý giá nhất mà vợ chồng tui có là nó đó…”, vừa nói bà vừa chỉ chỉ bóng lưng bị cáo D. Nụ cười hạnh phúc của bà chưa kịp nở hết thì vội tắt lịm khi ánh mắt lướt qua chiếc còng nơi tay con trai.

Nghèo khổ là rứa nhưng vợ chồng bà vẫn ki cóp, nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền cho con đến trường với niềm hy vọng con trai sẽ có cuộc sống khác cha mẹ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thi trượt đại học, cao đẳng, D. chán nản từ bỏ nghiệp đèn sách.

“Nó buồn lắm, từ khi nghỉ học là ít cười, ít nói, chỉ tập trung làm việc thôi. Bình thường, nó đi làm thuê, làm mướn cho người ta. Bữa mô rảnh thì nó ra đồng phụ cha. Tiền công kiếm được, nó chỉ giữ lại chút ít để cà-phê với bạn bè, còn lại gửi cho tui hết. Khi chồng tui bị phát hiện ung thư, may mà có nó làm điểm tựa cho tui, cáng đáng mọi chuyện trong nhà…”, bà nghèn nghẹn.

3. Thương con, người mẹ gom góp, dành dụm từ số tiền con đưa rồi mua cho con chiếc xe máy để “bằng bạn bằng bè”. Nhưng cũng từ đây, D. từ từ lạc lối, bắt đầu đua đòi ăn chơi cùng bạn bè. Để có tiền tiêu xài, D. điều khiển xe máy từ nhà ra Đà Nẵng cướp tài sản của du khách. Lần phạm tội đầu tiên, D. chiếm đoạt 3,4 triệu đồng và điện thoại Iphone 6. Số tiền này D. “nướng” toàn bộ vào các bữa nhậu cùng bạn bè.

Hết tiền, D. tiếp tục thực hiện “phi vụ” thứ hai. Tối 7-8-2016, D. đến phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) tìm bạn nhưng người này đi vắng. Lập tức, D. nảy sinh ý định tìm du khách sơ hở để cướp tài sản. D. dùng keo màu dán biển số xe, chạy rà rà tìm “con mồi”. Khi đến đường Trần Bạch Đằng, D. nhìn thấy chị T.T.P (SN 1966, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) đang đeo túi xách đứng trên vỉa hè nên áp sát, giật túi rồi bỏ chạy. Lúc này, công an tuần tra phát hiện vụ việc liền truy tuổi, khống chế, bắt giữ D. cùng tang vật (bên trong có 9 triệu đồng, 250 USD và một chiếc Ipad). Tổng giá trị tài sản D. chiếm đoạt của hai vụ là hơn 31,5 triệu đồng.

D. bị bắt, bà chết đứng, phiền muộn rồi ngã bệnh. Đứng sau vành móng ngựa, D. cúi gằm mặt, lí nhí khai nhận hành vi phạm tội. Tòa hỏi: “Tại sao bị cáo lại đi cướp giật?”. D. im lặng hồi lâu rồi nghèn nghẹn trả lời: “Bị cáo cũng không biết tại sao mình lại làm rứa nữa? Là bị cáo dại dột, bị cáo sai rồi”. Nghe con nói, người mẹ thở dài thườn thượt, bàn tay run run lau vội giọt nước mắt đang chực rơi.

Tòa tuyên án D. 4 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”, bà run rẩy đứng dậy rồi ngã quỵ, lắp bắp gọi với theo con: “D. ơi D, bây chừ mẹ biết làm răng đây con. D. ơi D., cuộc đời con chừ tính làm răng D. ơi…”. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dự khán tiếc nuối cho D. khi đã để tuổi thanh xuân phí hoài chỉ vì một phút bồng bột của tuổi trẻ, gây nỗi đau đớn cho người thân…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.