Sáng 22-3, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) thành phố Nguyễn Bá Sơn chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 dự kiến trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba sắp đến.
Qua trao đổi, các ý kiến đều đồng tình cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần lùi thời hạn thi hành BLHS để bảo đảm việc tổ chức triển khai được thực hiện tốt, kỹ càng, đồng bộ.
Bên cạnh các ý kiến đề nghị thêm bớt, làm rõ, chỉnh sửa một số câu từ…, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn về luật còn đưa ra nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các nội dung trong dự án. Một số ý kiến cho rằng, xu hướng “trẻ hóa” tội phạm đang gia tăng, cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phạm tội; do đó, cần quy định rõ ràng các tội mà người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cần thiết lập cơ chế tòa án chuyên trách cho trẻ em nhằm hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn trẻ em có liên quan đến pháp luật, bảo đảm không ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ em trong độ tuổi này. Ý kiến khác cho rằng, việc quy định xử lý hình sự quá rộng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tiềm ẩn nguy cơ sớm đưa các em vào vòng tố tụng, không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt trong xã hội. Vì vậy, chỉ nên quy định xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về quy định xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích, có ý kiến đề nghị chỉ xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong 4 trường hợp: chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng; xái thuốc phiện; chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ý kiến khác đề nghị cần giám định hàm lượng chất ma túy trong tất cả các trường hợp để bảo đảm công bằng trong xét xử. Về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, một số ý kiến tán thành với việc quy định “bỏ trốn” là tình tiết định tội tại khoản 1 Điều 175 để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay…
NAM BÌNH