.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm

.

Ngày 7-3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138/CP. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138 Trung ương chủ trì hội nghị. Điểm cầu Đà Nẵng do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng chủ trì.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2016, toàn quốc xảy ra hơn 54.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, nhiều địa bàn nổi lên các loại tội phạm có tổ chức, bảo kê, nhiều băng nhóm côn đồ thanh toán nhau gây bức xúc, lo lắng cho xã hội; tội phạm giết người gia tăng.

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp và chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với thủ đoạn chính là móc ngoặc giữa các nhóm đối tượng trong và ngoài ngành để trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo vẫn diễn ra khá phổ biến và trên nhiều lĩnh vực. Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tình trạng vi phạm xử lý chất thải diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Tội phạm về ma túy vẫn tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, toàn quốc xảy ra 383 vụ mua bán người, với 523 đối tượng cùng hơn 1.100 nạn nhân...

Lực lượng Công an các cấp đã điều tra, khám phá 42.558 vụ phạm pháp hình sự (đạt 78,07%), bắt và xử lý hơn 80.000 đối tượng; triệt phá hơn 1.900 băng, nhóm tội phạm; phát hiện hơn 16.800 vụ phạm tội về kinh tế; xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh và triệt phá trên 18.000 vụ/28.900 đối tượng phạm tội về ma túy...

Tại Đà Nẵng, năm 2016, cơ quan chức năng điều tra, khám phá 455/558 vụ vi phạm về trật tự xã hội (đạt 81,5%); bắt và xử lý 702 đối tượng, thu hồi tài sản thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được chỉ đạo xử lý quyết liệt, mang lại hiệu quả cao; phát hiện, bắt giữ 145 vụ/196 đối tượng phạm tội về ma túy...

Hội nghị cũng đưa ra mục tiêu chương trình phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020, trong đó nêu rõ: phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3-5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt trên 75%, các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95%. 100% tin báo tố giác tội phạm được tiếp nhận, xử lý; tăng từ 5-10% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ; giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 95% trở lên...

Riêng năm 2017, cần nâng tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt trên 75%, giải quyết tin báo tố giác tội phạm đạt trên 90% và đặc biệt bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các sự kiện chính trị lớn, nhất là Hội nghị Cấp cao APEC 2017...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương cần nỗ lực thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra, trong đó cần cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chương trình... để thực hiện phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chú trọng phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động thực hiện các biện pháp giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chức năng.

Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, văn bản pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tội phạm, tạo sự đồng bộ, thống nhất. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống và đấu tranh với các loại tội phạm...

ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.