.

Những mái ấm tan tác

.

Ba cặp vợ chồng - một ở độ tuổi thanh niên, một ở độ tuổi trung niên và một ở độ tuổi xế chiều. Khác nhau về tuổi tác nhưng ba mái ấm ấy đều có những mâu thuẫn không thể giải tỏa để rồi đi đến một kết thúc buồn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Cả hai kết hôn năm 1978, có với nhau 5 mặt con. Khi đã gần 60 tuổi, ông nộp đơn xin ly hôn với người vợ đầu ấp tay gối gần 36 năm qua. Lý do ông đưa ra là mâu thuẫn giữa vợ chồng ngày càng căng thẳng, không thể hàn gắn. Ba lần tòa triệu tập, bà đều không đến nên HĐXX xử vắng mặt bà theo quy định của pháp luật.

Tại tòa, ông bức xúc: “Mâu thuẫn giữa chúng tôi nhen nhúm từ năm 2001. Lúc ấy các con còn nhỏ, tôi muốn các con có một mái ấm trọn vẹn nên tiếp tục níu kéo cuộc hôn nhân này. Nhưng bây giờ tôi không chịu đựng được nữa”. Theo ông, bà thường xuyên xúc phạm ông và gia đình ông. Bên cạnh đó, vợ chồng ông có công ty riêng nhưng tiền bạc đều do vợ ông quản lý. “Tôi làm là làm cho vợ, cho con nhưng vợ con coi mình như công cụ. Làm để nuôi vợ con mà đi công tác thì phải xin tiền chị, tiền em. Như vậy có buồn không? Mẹ tôi già rồi mà tôi làm con trai trưởng lại không thể chăm sóc mẹ. Như vậy, tôi có phải bất hiếu không?”, ông chua xót nói.

HĐXX công bố lời trình bày trong đơn của vợ ông. Bà cho biết, bà đang mang bệnh ung thư. Lợi dụng lúc bà bị bệnh, ông đã ngoại tình, ăn ở như vợ chồng với người phụ nữ khác. Bà không muốn ly hôn vì cần sự quan tâm của chồng trong những ngày tháng cuối đời. HĐXX khuyên ông nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng mà cân nhắc lại.

Ông khăng khăng: “Tôi chưa bao giờ ngoại tình. Thời gian vợ tôi chữa bệnh, tôi vẫn luôn ở bên cạnh chăm sóc bà ấy. Hiện nay, sức khỏe bà ấy đã ổn định rồi. Mà đây đâu phải là lần đầu tiên tôi đưa đơn xin ly hôn, lần thứ ba rồi. Ở phiên tòa lần trước, bà ấy thừa nhận lỗi sai của mình và hứa sẽ thay đổi nên tôi mới rút đơn lại. Nhưng mọi chuyện vẫn vậy, bà ấy càng ngày càng quá đáng, tôi không thể chịu đựng được nữa”.

Tòa đồng ý cho ông được ly hôn với bà. Ông thở phào, lật đật ra về…

2.  Chồng 25 tuổi, vợ 20 tuổi. Vợ đến trước, chồng đến sau. Chồng ngồi ở hàng ghế sát ngay sau, đưa tay khều vợ, mỉm cười. Vợ quay lại, thấy chồng, tỏ thái độ khó chịu. Chồng dằn dỗi, bỏ sang hàng ghế dự khán phía bên kia.

Vợ và chồng đều còn trẻ, ra tòa lần đầu tiên nên khai lí nhí. Không nghe rõ vợ và chồng nói gì. Chỉ biết, vợ nộp đơn ly hôn. Nhiều lần triệu tập nhưng chồng không đến nên HĐXX chưa tiến hành hòa giải. Tại phiên tòa, chồng đồng thuận ly hôn nên HĐXX không hỏi sâu về mâu thuẫn giữa đôi bên. Tài sản chung không tranh chấp, chồng và vợ chỉ tranh chấp quyền nuôi dưỡng đứa con chung một tuổi rưỡi.

Vợ muốn nuôi con, chồng cũng giành phần và cho rằng vợ thường xuyên bỏ con ở nhà đi chơi. Không ai nhường ai dù HĐXX đã phân tích thiệt hơn. Lúc này, một người đàn ông lớn tuổi, khắc khổ, giơ tay xin được phát biểu. Ông là ba ruột của chồng. Ông rưng rức: “Hai đứa còn nhỏ nên trước khi cưới, tui đã dặn dò hai con phải thương yêu nhau. Gia đình chúng tôi tuy nghèo nhưng thương cháu H. như con. Tui đâu bao giờ có tiếng nặng tiếng nhẹ gì với con dâu đâu. Đùng một phát, hai đứa cãi nhau rồi con dâu tui đòi về nhà mẹ đẻ. Tui đồng ý cho cháu về và khuyên cháu suy nghĩ thật kỹ. Rồi bất ngờ, cháu đưa đơn ly hôn. Tui thừa nhận con tui làm có tiền nhưng rất phá. Nó chơi bời, cá độ banh rồi thiếu nợ. Thương con nên vợ chồng tui phải trả. Nhưng con tui chia tay rồi vẫn còn thương cháu H. lắm. Nó bòn rút tiền của cha mẹ để mua sữa, bánh cho con nó. Tôi xin cháu H. suy nghĩ lại vì các con còn trẻ, cháu cũng còn nhỏ…”.

Nghe ba chồng nói, vợ bật khóc nức nở nhưng vẫn kiên quyết không nhường quyền nuôi dưỡng con. Đến lúc này, chồng nhượng bộ để con cho vợ nuôi, mỗi tháng sẽ cấp dưỡng cho con 2 triệu đồng.
3. Phiên tòa thứ ba, hai vợ chồng ly hôn đã lâu, 3 đứa con chung giao cho vợ nuôi dưỡng. Nay, chồng xin được thay đổi quyền nuôi con, cụ thể là đứa con trai út sinh năm 2005. “Trong quá trình nuôi con, bà ta xúc phạm đến gia đình tôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ…”, anh lớn tiếng.

Chị khóc: “Lúc còn sống chung, anh chưa bao giờ quan tâm đến con. Khi anh bỏ đi, đứa lớn mới học lớp 4. Một mình tui đi làm vất vả kiếm tiền nuôi 3 đứa con nhỏ, anh cũng đâu có cấp dưỡng. Đến khi tui xây nhà, khó khăn quá mới hỏi anh nhưng anh vẫn không đưa tiền cấp dưỡng. Tui tức quá mới giao con cho anh nuôi 1-2 tháng để anh hiểu sự khó khăn của tôi. Nhưng anh là lái xe nên thường xuyên xa nhà, 3 đứa nhỏ ở nhà với bà nội. Bà nội thích thì cho ăn, không thích thì cho nhịn đói… Con tui bị đối xử không có tình người nên mới bị ảnh hưởng tâm lý”.

Trong phòng xử án, ba mẹ lớn tiếng cãi nhau. Ba đứa trẻ mặc đồng phục học sinh đứng nép bên cửa sổ ngơ ngác hết nhìn cha lại nhìn mẹ. Tòa quyết định vẫn để 3 trẻ cho chị nuôi bởi anh thường xuyên đi làm ăn xa, không có điều kiện chăm sóc con. Đây cũng là nguyện vọng của 3 trẻ. Được sống cùng mẹ nhưng liệu 3 đứa trẻ có thể hạnh phúc trọn vẹn không khi người lớn vì những mâu thuẫn của mình mà quên đi cảm xúc của các con?

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.