Lạc lối vào men rượu, từ một người cha có trách nhiệm, bị cáo quên mất 2 con thơ cần sự chăm sóc của cha mẹ, suýt nữa tước đoạt sinh mạng người đầu ấp tay gối với mình, khiến mái ấm vỡ tan…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Sau một thời gian dài yêu nhau, N.V.Đ (SN 1975, ngụ xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và chị N.T.T (SN 1978) nên duyên vợ chồng, cùng chung sức chung lòng xây dựng tổ ấm nhỏ. Hai đứa con trai lần lượt chào đời, niềm hạnh phúc lứa đôi càng thêm vun bồi bởi những tiếng cười trẻ thơ rộn rã. Những tưởng, mái ấm gia đình của Đ. sẽ luôn tràn ngập hạnh phúc khi chồng thương yêu vợ con, vợ biết vun vén nhà cửa và con cái ngoan ngoãn, lễ phép. Ngờ đâu, niềm vui dần cạn rồi vỡ tan từ ngày Đ. bắt đầu làm bạn với đệ tử lưu linh.
Công việc căng thẳng, sau mỗi buổi làm, Đ. nghe theo lời rủ rê của đồng nghiệp, đến quán nhậu giải tỏa tâm lý. Ban đầu, Đ. chỉ uống một chai, chủ yếu ngồi nghe bạn bè nói chuyện cho khuây khỏa. Lâu ngày, bạn bè “khích tướng”, Đ. sỹ diện nên chứng tỏ mình bằng những ly bia nốc cạn.
Ngà ngà say, Đ. về nhà, tìm cách gây sự với vợ con. Hôm sau thức dậy, nhìn thấy đôi mắt đỏ au của vợ, Đ. ăn năn và xin lỗi. Chị T. cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ chồng, phân tích đúng, sai. Lần nào, Đ. cũng hứa sẽ thay đổi nhưng vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục la cà vào những cuộc vui. Cứ thế, những nụ cười trong tổ ấm dần tắt lịm, thay vào đó là sự ngột ngạt, căng thẳng của những đổ vỡ, tổn thương.
2. Những trận đòn roi trong cơn say của chồng ngày càng nặng nề nhưng chị T. vẫn cắn răng chịu đựng để giữ một mái nhà nguyên vẹn cho con thơ. Vậy mà, Đ. ngày càng lầm đường lạc lối, trầm mê trong bia rượu. Từ người đàn ông yêu vợ, thương con, Đ. bỏ bê công việc, chẳng màng đến con cái, thường xuyên yêu cầu vợ đưa tiền đi nhậu. Nhiều lần, không có tiền, chị T. lí nhí chối từ thì ngay lập tức bị Đ. “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Bức bách, chị T. lựa chọn ly thân, dọn ra sống riêng để trốn tránh đòn roi. Tuy nhiên, sâu trong thâm tâm mình, chị T. vẫn hy vọng tháng ngày ly thân sẽ giúp chồng hồi tâm chuyển ý, thay đổi, sửa sai.
Vậy mà, niềm hy vọng mong manh của chị chẳng thành. Mỗi khi say, Đ. lại tìm đến nhà vợ, lè nhè bảo muốn nối lại tình cảm. Tối 7-5-2016, như mọi ngày, Đ. say khước, lớn tiếng yêu cầu chị T. phải dọn về lại nhà.
Buồn bực, chị T. kiên quyết bảo nếu Đ. tiếp tục nhậu nhẹt thì sẽ không về nữa. Bất ngờ, Đ. lao đến đánh vợ, bóp cổ. Đau đớn, chị Đ. hoảng hốt, cầu xin nhưng Đ. vẫn tiếp tục siết chặt tay khiến vợ bất tỉnh. Thấy vậy, Đ. kéo chị T. ra sau nhà, lấy gạch đá đánh vào phía sau đầu vợ.
Lúc này, một người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu nên cầm đèn pin chạy sang. Thấy ánh đèn, Đ. dừng lại, bước ra trước nhà nói với người này: “Thím Tám ơi, con giết vợ con rồi” và bỏ đi. Chị T. được đưa đi cấp cứu, mang thương tật 9%.
3. Đứng sau vành móng ngựa, Đ. lí nhí biện minh: “Tôi yêu vợ nhưng cô ấy cứ khăng khăng đòi chia tay. Tôi đã nhiều lần tìm đến nhà, cố gắng níu kéo, năn nỉ nhưng cô ấy vẫn cương quyết không chịu. Trong lúc có rượu, tôi không kiềm chế được hành vi của bản thân nên mới có hành động không đúng với cô ấy. Tôi chưa bao giờ có ý định muốn giết cô ấy”.
Thở dài, vị chủ tọa hỏi: “Bị cáo có biết hành động không đúng, thiếu kiềm chế của mình có thể tước đoạt tính mạng của người đầu ấp vai kề với bị cáo không?”. Cúi gằm mặt, Đ. nhỏ giọng: “Bị cáo biết, là bị cáo sai rồi, bị cáo có lỗi. Bị cáo chỉ muốn níu kéo hạnh phúc, níu kéo tổ ấm thôi”.
Vị chủ tọa phân tích: “Nếu thật sự yêu thương vợ con, lẽ ra bị cáo phải thay đổi bản thân, từ bỏ rượu bia, chí thú làm ăn, quan tâm, chăm sóc gia đình. Nếu thật sự muốn giữ gìn tổ ấm, lẽ ra bị cáo phải ngồi nói chuyện với vợ trong lúc tỉnh táo, thể hiện quyết tâm hối cải của mình. Đằng này, bị cáo chẳng những không thay đổi mà còn sai càng thêm sai…”. Đ. cúi đầu, thinh lặng.
Hành vi nông nổi của Đ. đã phải trả giá bằng 8 năm tù giam và tổ ấm tan tác với nỗi tổn thương của hai đứa trẻ khi phải chứng kiến cảnh cha mẹ chia ly…
KHA MIÊN