Chiều 12/4, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã tổ chức họp báo, thông tin về công tác thi hành án sự trên địa bàn.
Bị cáo Dương Chí Dũng (áo trắng), bị cáo Mai Văn Phúc (hàng đầu, áo tím) và các đồng phạm nghe tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới những khó khăn trong việc thi hành một số bản án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết hiện tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đang tập trung thi hành 10 vụ lớn với số tiền thi hành án hơn 269 tỷ đồng.
Tuy các vụ việc này giá trị phải thi hành án rất lớn, nhưng chưa thể xác minh được tài sản, điều kiện của người phải thi hành án; hoặc không có điều kiện thi hành án, hoặc tài sản để thi hành án có giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành và là tài sản chung với người khác như trường hợp Dương Chí Dũng, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Mai Văn Phúc… trong vụ án Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Riêng về trường hợp Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam), ông Lê Quang Tiến cho biết theo bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao, Dương Chí Dũng phải chịu trách nhiệm bồi thường 110 tỷ đồng.
Đến nay, gia đình Dương Chí Dũng tự nguyện nộp khắc phục hậu quả gần 7,5 tỷ đồng, cơ quan chức năng xử lý được 3.900 USD. Ngoài ra, còn xử lý hai căn hộ và một ngôi nhà, thu được gần 14 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản trên, Dương Chí Dũng còn phải thi hành khoản tiền hơn 88 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Dương Chí Dũng không còn tài sản gì để thi hành án.
Khoản tiền hơn 88 tỷ đồng này khi nào xác định Dương Chí Dũng có điều kiện thi hành, cơ quan thi hành án sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện.
Một trường hợp khác trong vụ án Dương Chí Dũng là bị án Trần Hữu Chiều. Bị án này chỉ có tài sản là căn nhà sở hữu chung với vợ ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội.
Căn cứ theo Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, nhà và đất trên được thẩm định giá hơn 1,5 tỷ đồng, vợ của bị án Chiều đã nộp 760 triệu đồng để mua phần tài sản còn lại trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.
Như vậy, sau khi khấu trừ, Trần Hữu Chiều còn phải thi hành hơn 38,4 tỷ đồng. "Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền trên của Trần Hữu Chiều" - ông Lê Quang Tiến cho biết.
Đối với trường hợp Bùi Thị Bích Loan, cũng là bị án trong vụ Dương Chí Dũng. Bà Loan bị tòa tuyên buộc bồi thường 6 tỷ đồng cho Vinalines. Tuy nhiên, bà Loan không có tài sản gì, lại đang phải điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện K, Hà Nội. Vì thế, Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành đối với trường hợp bà Loan.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội sẽ chủ động triển khai thực hiện đúng quy trình tổ chức thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy trình thi hành án hoặc trì hoãn, kéo dài việc thi hành án dẫn đến việc không hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao.
Bên cạnh đó, Cục tập trung mọi nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc chấp hành viên triển khai thực hiện. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc, Cục sẽ chủ động báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và Ban Chỉ đạo thi hành án hoặc đề xuất phối hợp liên ngành thống nhất giải quyết…
Theo Vietnam+