.
Ký sự Pháp đình

Lựa chọn sai lầm

.

Trong cuộc đời, con người có nhiều sự lựa chọn khi đứng trước những ngả rẽ. Trong đó, tri thức là sự hỗ trợ đắc lực để mỗi người có sự lựa chọn đúng đắn. Thế nhưng, vì ham mê vật chất và cái lợi trước mắt, nhiều người đã lựa chọn sai lầm…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

P.T.L (SN 1982, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) từng là niềm kiêu hãnh của gia đình. Thuở nhỏ, L. vượt xa bạn học về sự thông minh. Sự sáng dạ được L. vận dụng tích cực trong hành trình gom nhặt tri thức nên cha mẹ L. chưa bao giờ phải bận tâm về chuyện học hành của con trai. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi ngành Tài chính ngân hàng của một trường đại học có tiếng, L. ngay lập tức được nhận vào làm tại một ngân hàng ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Bằng tài năng và tuổi trẻ, L. thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng, trở thành một trong những nhân viên tiêu biểu tại đơn vị. Dù vậy, L. vẫn chưa hài lòng với công việc đang có. Hai năm sau, L. quyết định tìm cơ hội việc làm mới tốt hơn tại Đà Nẵng. Nhờ bản lĩnh của mình, L. không chỉ dễ dàng vào làm tại chi nhánh của một ngân hàng lớn mà còn nhanh chóng được đề bạt làm trưởng phòng tín dụng sau đó một năm. Tuy nhiên, cũng từ đây, L. lơi lỏng trách nhiệm, thiếu chuyên tâm khiến hiệu quả công việc ngày càng kém. Do vậy, L. bị điều động về làm chuyên viên xử lý nợ tại Phòng quan hệ khách hàng. Tiếp đó, L. được chuyển sang làm chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân chuyên trách xử lý nợ cho chi nhánh ngân hàng.

Lúc này, L. không tập trung chuyên môn, cải thiện tác phong làm việc mà lại khao khát làm giàu nhờ cơn sốt bất động sản. Mặc dù không có tiền trong tay, L. vẫn vay mượn nhiều người số tiền 2,4 tỷ đồng và đưa cho một nhân viên kinh doanh bất động sản để mua đất. Nhưng giấc mộng sang giàu của L. vỡ tan khi người này bỏ trốn cùng với số tiền của L. Để có tiền trả nợ, L. vay mượn người này trả cho người kia. Gần hai năm ròng rã “xoay vòng” khoản nợ, L. không còn khả năng chi trả nên sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thời điểm này, dù không còn làm nhiệm vụ tín dụng cho khách hàng vay vốn, L. vẫn giới thiệu với nhiều người là cán bộ tín dụng, nói dối vay tiền ngắn hạn làm thủ tục đáo hạn ngân hàng. Đồng thời, L. còn tung “chiêu” hứa hẹn lãi suất cao, tạo dựng tài liệu giả mạo để tạo lòng tin cho mọi người. Theo cáo trạng, L. vay mượn của 4 bị hại với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng (tòa nhận định có một phần tiền thuộc về quan hệ dân sự-PV).

Không lâu sau, L. bỏ trốn, ẩn nấp dưới vỏ bọc nhân viên giao bánh kẹo cho các cửa hàng tạp hóa nhưng vẫn không trốn khỏi sự nghiêm minh của luật pháp. Mới đây, L. ra tòa, khép lại tương lai của mình sau song sắt nhà giam với mức án  12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đáng buồn, L. không phải là người duy nhất có trình độ học vấn và công việc ổn định nhưng vẫn sa ngã vì tiền. Có thể kể một số cái tên như: N.L, cán bộ phòng giáo vụ một trường THPT ở quận Liên Chiểu; V.T.C, bác sỹ điều trị tại một trung tâm y tế quận; L.N.L, nhân viên tư vấn tài chính của một ngân hàng; H.Đ.H, cán bộ tư pháp phường; B.H.M, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán của một trung tâm y tế quận; Đ.X.H, tổ phó tổ quản lý chợ; N.V.Đ, giáo viên tại một trường tiểu học; N.H.D, giám đốc một công ty…

Trong số họ, có người lừa đảo vì túng quẫn do kinh doanh thua lỗ, cũng có người vì ham cờ bạc mà nông nổi, có người vì ham mê vật chất mà lạc lối. Mặc dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng họ đều có cơ hội lựa chọn một phương thức khác tốt hơn để xử lý khủng hoảng hoặc quyết định mở cánh cửa đen hay cánh cửa trắng trong hành trình của chính mình. Tiếc rằng, đến cuối cùng, họ vẫn lựa chọn tiền bạc mà đánh mất tương lai và kỳ vọng của gia đình…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.