Tăng mức lương cơ sở, áp dụng quy định mới về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, tăng thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của doanh nghiệp môi giới, điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên... là những chính sách mới có hiệu lực kể từ 1-7-2017.
Tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2017
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên thành 1.300.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2017.
Mức lương cơ sở này sẽ dùng làm căn cứ để tính: Mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này; mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Để thuận tiện trong việc thực hiện mức lương cơ sở mới với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 1-7-2017). Thông tư này hướng dẫn chi tiết cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đại biểu HĐND; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Cho phép chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn
Đây là nội dung mới nổi bật được quy định tại Nghị định 38/2017/NĐ-CP về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
Theo đó, khi có nhu cầu chuyển đổi, chủ đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Cục Hàng hải gửi văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục Hàng hải lấy ý kiến của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng cảng; thẩm định và báo cáo Bộ GTVT. Chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo, Bộ GTVT phải có văn bản trả lời chấp thuận chuyển đổi hoặc không đồng ý (nêu rõ lý do).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ
Nghị định 169/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 quy định về việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.
Theo đó, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ do người nhận hàng không đến nhận, hoặc từ chối nhận hàng: Người vận chuyển được mang bán đấu giá nhưng phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định. Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, người vận chuyển phải nộp kèm các giấy tờ sau đây cho cơ quan hải quan: Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ; bản chính bằng chứng liên quan đến việc thông báo về hàng hóa bị lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của nghị định này.
Quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra
Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.
Nghị định quy định hồ sơ đăng ký lần đầu gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này); bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi. Hồ sơ đăng ký lại gồm: Giấy đăng ký cấp lại mã số nhận diện ao nuôi (Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này); bản gốc Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm đề nghị cấp lại; bản sao sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi.
Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm đã được cấp theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Sắp xếp lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề
Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ làm việc của nhà giáo giảng dạy tại trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, giữ nguyên quy định về thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng, trung cấp là 44 tuần/năm, chế độ tuần làm việc 40 giờ nhưng sắp xếp và phân bổ lại thời gian làm việc như sau:
Thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên: Trình độ cao đẳng: 32 tuần; trình độ trung cấp: 36 tuần.
Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa/nâng cao, nghiên cứu khoa học: Trình độ cao đẳng: Từ 12 tuần giảm xuống còn 8 tuần; trình độ trung cấp: Từ 8 tuần giảm xuống còn 4 tuần.
Thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan chuyên môn: 4 tuần.
Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì quy đổi thời gian còn lại sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng/Giám đốc giao.
Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1-7-2017; bãi bỏ Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH và Chương III Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH.
TH.S tổng hợp