Thời gian gần đây, không ít người “sập bẫy” xin việc từ những người tự xưng là giám đốc công ty hoặc có “quan hệ rộng” với lãnh đạo. Tiền mất, việc cũng chẳng có chỉ vì mù quáng tin những lời hứa hẹn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đọc lệnh khởi tố và bắt giam Nguyễn Văn Thuận vì hành vi lừa đảo xin việc làm để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. |
Mất hàng trăm triệu vẫn không có việc làm
Mới đây, sau khi Công an quận Liên Chiểu khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Văn Thuận (33 tuổi, quê Quảng Nam) và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc (Công ty Giới thiệu việc làm nhanh PMW, số 380 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) về hành vi lừa đảo, hàng chục bị hại mới vỡ ra lâu nay mình bị lừa!
“Họ có trụ sở công ty hẳn hoi, lại luôn hứa chắc nịch nên tôi yên tâm. Ngờ đâu họ lại mưu mô như vậy”, bà A., một bị hại bức xúc cho hay. Theo bà A., năm 2013, bà có đưa 120 triệu đồng nhờ vợ chồng ông Thuận xin cho con gái vào làm việc tại bộ phận điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Chờ mãi mà con gái chưa có việc làm, bà A. liên hệ với ông Thuận để yêu cầu đòi lại số tiền đã giao. Lúc này, ông Thuận dùng các quyết định tự tìm được để làm giả một bản photocopy danh sách nhân sự được cử đi học để giao cho bà A., đồng thời tiếp tục hứa sẽ xin cho con gái bà A. vào làm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Sau đó, Thuận tiếp tục làm giả một bản photocopy quyết định về việc tuyển dụng viên chức do giám đốc bệnh viện này ký để giao cho bà A. nhằm tạo lòng tin. Trong khoảng thời gian này, bà A. nhiều lần liên hệ với cả hai bệnh viện trên nhưng đều không nhận được thông tin về việc nhận con gái vào làm việc nên bà yêu cầu ông Thuận trả lại 120 triệu đồng, song vợ chồng ông này vẫn cố tình trốn tránh.
Tương tự, ông Tr. (trú quận Ngũ Hành Sơn) chỉ vì quá tin tưởng lời hứa của Thuận về việc sẽ xin được cho 2 cháu của mình vào làm việc ở Bệnh viện 199 Bộ Công an (đóng tại Đà Nẵng) và Cảng hàng không Đà Nẵng nên đã “tạm ứng” 300 triệu đồng nhờ Thuận giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Thuận sử dụng hết số tiền đó vào mục đích cá nhân và bù lỗ cho Công ty PMW... Tại cơ quan điều tra, Thuận khai mình chỉ đọc thông tin tuyển dụng của Bệnh viện 199 Bộ Công an trên mạng Internet và mặc dù biết đã hết thời hạn tuyển dụng nhưng vẫn nhận 300 triệu đồng của ông Tr.
Đó là 2 trong số hàng chục trường hợp “sập bẫy” xin việc của Thuận. Theo Thượng úy Ngô Ngọc Châu, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Liên Chiểu, còn gần chục trường hợp khác cũng bị Thuận lừa với chiêu tương tự, nhưng số tiền ít hơn nên người bị lừa ngại trình báo.
Tỉnh táo kiểm chứng
Đại tá Trần Văn Long, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Công an thành phố khởi tố 16 vụ án/17 bị can cùng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Trong đó có nhiều vụ liên quan đến lừa đảo xin việc làm. “Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo. Trước mỗi vấn đề nên xác minh và phải kiểm chứng cụ thể, không nên chỉ tin vào những lời hứa”, Đại tá Long chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Pháo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng tâm lý cần việc gấp để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của các trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động hợp pháp, bởi khi nói đến chuyện tìm việc, giới thiệu việc làm, đôi khi người dân có chút nghi ngại. Theo ông Pháo, có thể dễ nhận thấy các đối tượng lừa đảo thường “núp” dưới danh nghĩa công ty hoặc tự nhận có quan hệ rộng với lãnh đạo và chủ yếu hứa xin vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước như các đơn vị hành chính sự nghiệp y tế, giáo dục, hàng không, cảng, bưu điện, bệnh viện, ngân hàng Nhà nước... “Trong khi đó, các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng đều có thông báo rõ ràng và tổ chức thi tuyển. Những người muốn tìm việc nên tới các trung tâm, đơn vị hoạt động uy tín để tìm hiểu kỹ, tránh mất tiền oan. Nếu thấy các biểu hiện vi phạm, người xin việc nên báo ngay cho cơ quan quản lý”, ông Pháo chia sẻ.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH