Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 nghiêm cấm các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức thu phí và lệ phí, luật yêu cầu phải niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.
Đồng thời, lập và cấp chứng từ thu cho người nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật; hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí; báo cáo tình hình thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí.
Đối với người nộp phí, lệ phí, cần nộp đúng, đủ, kịp thời phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; được nhận chứng từ xác nhận số phí, lệ phí đã nộp.
Luật Phí và lệ phí cũng quy định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trong việc quản lý phí và lệ phí.
Trong đó, luật này quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; xem xét, cho ý kiến để UBND cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.
Song song đó, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền trong việc trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; tổ chức thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện thu phí, lệ phí ở địa phương với cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo về phí và lệ phí theo quy định của pháp luật; báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh trước khi đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
TH.S tổng hợp