Được đánh giá là loại tội phạm nghiêm trọng, hiện nay hoạt động của tội phạm công nghệ cao (TPCNC) diễn biến phức tạp, tinh vi và gia tăng cả số vụ, tính chất và mức độ nghiêm trọng... nhưng việc đấu tranh với loại tội phạm này còn gặp quá nhiều khó khăn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đọc lệnh khởi tố bị can đối với Hồ Tấn Duy Linh (áo trắng, trái) và Huỳnh Văn Trung do có hành vi sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. |
Theo Thượng tá Võ Văn Lanh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an thành phố Đà Nẵng, tại Đà Nẵng đang nổi lên loại tội phạm sử dụng mạng Internet, mạng xã hội (MXH), mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này liên tục thay đổi như: xâm nhập tài khoản thư điện tử của doanh nghiệp; giả danh Việt kiều để lừa đảo; tấn công tài khoản MXH chiếm quyền quản trị mạng để lừa đảo; lừa đảo trúng thưởng qua MXH... Mặc dù đã có nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý và cơ quan chức năng đã tuyên truyền cảnh báo nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn bị lừa đảo thiệt hại hàng tỷ đồng.
Điển hình như tháng 9-2016, PC46 xác lập chuyên án mang bí số CNC916 để đấu tranh và đã bắt đối tượng Hồ Tấn Duy Linh (25 tuổi) và Huỳnh Văn Trung (21 tuổi) cùng quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đặt người khác làm các trang web đăng nội dung trúng thưởng và số điện thoại để bị hại liên lạc. Sau khi có được các trang web, các đối tượng đến quán Internet trên đường Đống Đa (quận Hải Châu) tạo tài khoản facebook “Hộp thư trực tuyến” và “Thông báo trúng thưởng” để kết bạn ngẫu nhiên với nhiều người rồi gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng cho khoảng 200 người trong danh sách. Khi bị hại nhận được tin nhắn và làm theo chỉ dẫn thì các đối tượng sẽ hướng dẫn họ mua thẻ cào điện thoại nộp trực tiếp qua web hoặc yêu cầu đọc số seri và mã thẻ cào để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Qua điều tra xác định, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 100 người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau với tổng số tiền chiếm đoạt trên 400 triệu đồng.
Thủ đoạn khác là các đối tượng xâm nhập trái phép vào các tài khoản yahoo, facebook và sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc nạp thẻ cào điện thoại. Điển hình là năm 2016, PC46 đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Hùng Dương (23 tuổi, quê huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chiếm quyền quản trị tài khoản facebook của hơn 100 người (chủ yếu người Việt Nam ở nước ngoài) sau đó sử dụng tài khoản đã chiếm được giả danh để trò chuyện, nhắn tin tới người thân chủ tài khoản tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong cả nước để nhờ nạp thẻ cào điện thoại, với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Các đối tượng TPCNC còn dùng thủ đoạn giả danh nhân viên bưu điện và cơ quan Công an để khống chế, đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thượng tá Võ Văn Lanh, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật đấu tranh xử lý loại tội phạm này còn chưa hoàn chỉnh; công tác quản lý sim thuê bao trả trước, quản lý các tài khoản trong trang MXH, hệ thống trò chơi trực tuyến còn quá lỏng lẻo... trong khi số lượng sim khuyến mãi không chính chủ đang được bán tràn lan trên thị trường nhưng chưa kiểm soát được gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, việc điều tra xử lý loại TPCNC gặp khó khăn nhất là việc thu thập đánh giá chứng cứ và xác định đối tượng phạm tội. Theo ông Linh, đặc trưng cơ bản nhất của loại tội phạm này là không thể chứng minh bằng chứng cứ thông thường mà chủ yếu là chứng cứ điện tử. Song thực tế cho thấy việc thu thập chứng cứ điện tử hết sức khó khăn do loại tội phạm này ít khi được phát hiện bằng việc bắt quả tang mà chủ yếu qua lời khai bị hại, sau đó cơ quan điều tra lập chuyên án truy xét, căn cứ theo các dấu vết dữ liệu điện tử để truy nguyên nguồn gốc tội phạm. Trong thời gian ngắn, đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn xóa bỏ các dấu vết điện tử nên dễ dàng che giấu hành vi của mình.
Ông Linh cho biết, thời gian qua tại Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố 19 vụ/30 bị can, trong đó đã xét xử 9 vụ/21 bị cáo đều về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự. Trong đó, có hai vụ do người nước ngoài thực hiện (5 bị can), có 4 vụ liên quan đến tài sản của người nước ngoài. Qua các vụ án đã xét xử cho thấy, đối tượng phạm tội thường dùng các thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội như sử dụng chứng minh nhân dân của người khác, mạo danh người khác liên hệ với ngân hàng, các công ty dịch vụ viễn thông để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao điện thoại di động sử dụng vào việc phạm tội. Đối tượng phạm tội người nước ngoài dùng thủ đoạn mượn thẻ ATM của người Việt Nam để nhận tiền chiếm đoạt. Sau khi lấy được tiền thì bỏ về nước gây khó khăn cho việc xác định hành vi đối tượng phạm tội. Ngoài ra, một số trường hợp do thời gian phát hiện tội phạm muộn nên dữ liệu không còn lưu giữ hoặc sự bất hợp tác, hợp tác không chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ thanh toán điện tử cũng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ và xử lý.
Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, theo ông Võ Văn Lanh, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn công tác quản lý thông tin thuê bao di động trả trước; quản lý tài khoản MXH và phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để chủ động phòng ngừa thủ đoạn của TPCNC. Riêng lực lượng Công an sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, tập trung các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để đưa vào diện quản lý, kịp thời đấu tranh, xử lý. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, các cơ quan chức năng cần đầu tư thêm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH