Những tháng gần đây, hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu trong cả nước tiếp tục tăng và diễn biễn phức tạp. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Đà Nẵng, phải đẩy mạnh kiểm tra và xử lý đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
Thuốc lá Zet, một trong những mặt hàng nhập lậu, bị cơ quan chức năng tịch thu với số lượng lớn. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, Đà Nẵng là địa bàn tiêu thụ và trung chuyển mặt hàng thuốc lá điếu từ các địa phương khác như: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thái Lan… Trung bình mỗi năm cơ quan chức năng thành phố bắt giữ và tiêu hủy từ 50.000 - 80.000 gói thuốc lá điếu nhập lậu, chủ yếu các loại như 555, Zet, Dunhill, Hero...
7 tháng đầu năm nay, lực lượng phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố đã tiêu hủy hơn 35.500 gói thuốc lá lậu các loại với tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng (tăng gần 5.000 gói so với đợt tiêu hủy năm 2016). Số vụ vi phạm bị phát hiện gần đây tăng cao hơn mọi năm do các lực lượng đẩy mạnh truy quét trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT thành phố cho biết: “Cùng với các đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, các đại lý, điểm bán lẻ vỉa hè, cơ sở kinh doanh trong bar, vũ trường, là nơi tiếp tay cho buôn bán thuốc lá lậu. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng cao là nguyên nhân dẫn đến thực trạng buôn lậu thuốc lá điếu có “đất sống”. Lực lượng QLTT cũng thường xuyên tuyên truyền, dán áp-phích và khuyến cáo các hành vi buôn bán, tiêu thụ thuốc lá lậu. Điều này phần nào tác động đến tâm lý người kinh doanh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn không ngừng hoạt động phi pháp. Thay vì hoạt động công khai, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển, mua bán lén lút và dùng đủ thủ đoạn tinh vi để đối phó cơ quan chức năng. Đà Nẵng là thị trường tiêu thụ và lưu thông qua nhiều địa bàn nên rất khó truy xuất tận gốc xuất xứ mặt hàng này”.
Nói về khó khăn trong công tác chống thuốc lá nhập lậu, các lực lượng phối hợp như Công an, Bộ đội biên phòng, QLTT thành phố đều có chung vướng mắc. Đó là nhiều nghị định, văn bản pháp luật chồng chéo, không thống nhất quan điểm và chưa thực sự phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc xử lý thuốc lá lậu. Chẳng hạn, tại Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 quy định “Mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, mà xem “kinh doanh sản phẩm thuốc lá” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện, gây khó khăn trong công tác xử lý hình sự. Về hạn chế này, ông Nguyễn Bá Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế quận Thanh Khê nhận định: “Trong thời gian qua, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu còn buông lỏng ở mặt xử lý, do bị vướng mắc bởi luật nên dù bị bắt trên khâu lưu thông, các cơ quan thực thi pháp luật vẫn không xử lý triệt để. Thậm chí, có nhiều vụ buôn lậu thuốc lá đã bắt đối tượng rồi, nhưng vẫn phải thả ra, do không có đủ tính pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) thay đổi căn cứ xử lý hình sự đối với các tội danh liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu bất hợp pháp từ số lượng lớn (1.500 bao), rất lớn (4.500 bao), đặc biệt lớn (13.500 bao) sang căn cứ theo mức giá trị tương ứng từ 100 triệu đồng, 300 triệu đồng và 500 triệu đồng. Với mức tương ứng như vậy, 100 triệu đồng sẽ xấp xỉ 6.000 bao. Chưa kể việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu thuốc lá hầu như không thể thực hiện, vì thực tế không có căn cứ định giá thuốc lá lậu.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 đã bổ sung trở lại quy định “Thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm” tại khoản 40 và khoản 41 Điều 1. Do đó, từ ngày 1-1-2018 trở đi, hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị xử lý hình sự trở lại như giai đoạn trước ngày 1-7-2015. “Khi chế tài pháp luật đủ mạnh và có tính nghiêm minh thì thời gian tới, chắc chắn việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi sản xuất, vận chuyển và kinh doanh thuốc lá nhập lậu sẽ chặt chẽ và mang lại hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Nho Hậu nhấn mạnh.
35.500 là số lượng gói thuốc lá lậu các loại bị lực lượng phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố Đà Nẵng tiêu hủy trong 7 tháng đầu năm nay, tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH