Ký sự Pháp đình

Những mảng màu rời rạc

.

Lửa giận cùng cơn say khiến bị cáo không làm chủ hành vi của bản thân, tước đoạt sinh mạng của chị vợ, phá nát hai tổ ấm và đẩy ba đứa trẻ vào cảnh mồ côi…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Nếu ví mỗi thành viên là một sắc màu thì gia đình sẽ luôn là bức tranh với sự hòa trộn giữa các mảng màu. Tham dự phiên tòa hôm ấy, người viết chăm chú quan sát đến từng chi tiết nhỏ vẫn chỉ nhìn thấy bức tranh gia đình rời rạc những mảng màu u uất.

Trong đó, xa cách nhất là hai mảng màu chính của bức tranh: bị cáo T.T.H (SN 1986, quê tỉnh Bình Thuận) và vợ của bị cáo - cũng là em gái của bị hại. Kết hôn năm 2002, cả hai hạnh phúc đón chào đứa con gái đầu lòng ngay sau đó. Thế nhưng, áp lực kinh tế ngày càng trĩu nặng khiến những nụ cười phai dần. Khao khát về tương lai tốt đẹp hơn cho tổ ấm, H. quyết định bỏ nghề lái xe, dắt díu vợ con từ Bình Thuận ra Đà Nẵng phụ chị vợ là T.T.M.Th (SN 1984) kinh doanh thịt heo.

Vậy nhưng, ước mơ ấy chẳng những không trở thành sự thật mà còn trở thành bi kịch. Thời gian ra Đà Nẵng, H. và vợ thường xuyên mâu thuẫn. Nguyên nhân khởi nguồn từ việc H. cho rằng vợ lười biếng, không chăm sóc gia đình mà thường xuyên qua nhà chị gái chơi; còn vợ bị cáo lại giận dỗi chồng hay nhậu nhẹt, say xỉn. Khúc mắc trong lòng nhưng hai vợ chồng không chịu ngồi lại nhỏ nhẹ giải quyết khiến ngọn lửa giận từ âm ỉ chuyển thành bùng cháy dữ dội.

Chiều ngày 11-1-2017, ngà ngà say, H. mang theo dao (loại dao mổ heo) đến nhà chị Th. tìm vợ. Tại đây, H. nhìn thấy chị T.T.M.D (chị gái của vợ H., SN 1978) từ Khánh Hòa ra Đà Nẵng chơi. Bất ngờ, H. rút dao đâm liên tiếp chị D. Khi nạn nhân bất tỉnh, H. thực hiện hành vi hiếp dâm. Nghe tiếng người dân hô hoán, H. dùng dao cắt một nhát vào cổ mình nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Riêng chị D. tử vong tại chỗ.

2. Hôm tòa xử, quan sát từ đầu đến cuối phiên tòa, người viết vẫn không thể tìm thấy sợi dây liên kết nào giữa bị cáo và vợ mình. Như hai mảng màu biệt lập, cả hai chưa từng một lần giao thoa ánh mắt với nhau. Chị đến tòa, ngồi cùng gia đình mình ở dãy ghế dự khán phía bên phải, ngăn với gia đình chồng bởi khoảng trống lối đi mà xa cách thăm thẳm. Khi được tòa mời lên phát biểu với tư cách là người làm chứng, chị gọi chồng bằng cả họ lẫn tên một cách xa lạ. Giờ nghị án, chị vội vàng cùng người thân rời phòng xử để tìm chỗ trò chuyện, không một lời hỏi han chồng.

Trong khi đó, bị cáo lí nhí nhận lỗi: “Tôi không biết tại sao mình lại có thể làm ra những chuyện như vậy. Tôi tự nhận thấy những hành vi của mình là mất nhân tính. Tôi vô cùng hối hận…”. Tòa tuyên án, bị cáo thất thần quay về phía sau tìm kiếm cha để bịn rịn nói những lời không rõ. Khi đi ngang qua vợ, bị cáo cúi đầu ngại ngùng. Còn chị, nhanh chóng quay lưng ra về.

Nếu không tham dự phiên tòa từ đầu, người viết chắc hẳn sẽ không bao giờ đoán định đó là hai người từng một thời đầu ấp tay gối cùng nhau. Sự xa cách của bị cáo và vợ khiến người viết càng thêm đau đáu về đứa bé trong tổ ấm. Có lẽ, cô bé là đại diện cho sắc màu bi thương nhất của bức tranh – màu đen – khi phải chứng kiến sự vỡ tan của mái ấm gia đình và hay tin cha nhận mức án tử hình. Đối lập với sắc đen là sắc trắng mất mát của hai đứa trẻ con của bị hại. Cha mẹ vừa ly dị, những đứa trẻ chưa kịp vượt qua sang chấn tâm lý này đã phải đối mặt với tổn thương khác. Chẳng biết những đứa trẻ ấy sẽ chống chọi và vượt qua nỗi đau như thế nào?! Thiếu thốn tình thương của cha hoặc mẹ, chắc hẳn tuổi thơ của những đứa trẻ sẽ là quãng đường gập ghềnh và nhiều chênh vênh…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.