Luật Phòng, chống tham nhũng còn nhiều vướng mắc

.

Thảo luận tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 20-9 ở Hà Nội, các đại biểu tán thành quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án luật và cho rằng việc sửa đổi phải bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật qua tổng kết thi hành, đồng thời kế thừa các quy định phù hợp của luật hiện hành.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, một trong những hạn chế, bất cập của luật hiện hành là còn vướng mắc về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập; thiếu các quy định về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là dự thảo luật chưa có các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình hợp lý; chưa có quy định nhằm kết nối dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, đăng ký nhà đất, các giao dịch khác về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai…

Ủy ban Tư pháp khẳng định đây là những nội dung rất quan trọng để bảo đảm tính hiệu quả của các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản. “Ngoài ra, những sửa đổi trong các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập mới chỉ tập trung đến việc kê khai tài sản, thu nhập với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, trong khi hiện nay chưa có các giải pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội nên không bảo đảm tính toàn diện và khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để bảo đảm tính khả thi, căn cứ thực trạng phát triển và yêu cầu quản lý đối với khu vực ngoài Nhà nước, Chính phủ cho rằng cần mở rộng từng bước, có trọng tâm, trọng điểm theo phương án: Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, dự thảo quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, căn cứ các luật liên quan về tổ chức và hoạt động của mình (Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng...), nhóm chủ thể này tự quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng phù hợp. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Đây là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích nên dễ dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý. Thêm vào đó, việc lành mạnh hóa hoạt động của nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp khác thuộc khu vực ngoài Nhà nước, dự thảo chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, khuyến khích việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ. Cụ thể, các tổ chức này có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của tổ chức mình.

Tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ mà thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân còn phải bắt buộc thực hiện các biện pháp về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, người đóng góp và các thành viên, hội viên.

Ngoài ra, tương tự như với doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, dự thảo quy định các tổ chức xã hội này tự quy định và thực hiện biện pháp phòng, chống tham nhũng, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

B.T
 

;
.
.
.
.
.