Những cảnh sát mặc thường phục

.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an thành phố Đà Nẵng ít khi được khoác lên mình bộ quân phục của lực lượng Công an nhân dân, mà hầu hết thời gian công tác họ “ẩn mình” trong những bộ “đồ bụi” và “lang thang” khắp nơi để đưa những đối tượng truy nã nguy hiểm ra ánh sáng.

Đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thanh Thu (65 tuổi, trú quận Hải Châu) tại cơ quan Công an. Đối tượng Thu bị bắt giữ sau 24 trốn nã. (Ảnh do PC52 cung cấp).
Đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thanh Thu (65 tuổi, trú quận Hải Châu) tại cơ quan Công an. Đối tượng Thu bị bắt giữ sau 24 trốn nã. (Ảnh do PC52 cung cấp).

Thượng tá Huỳnh Kim Nhẫn, Phó phòng PC52 chia sẻ, các đối tượng sau khi gây án thường tìm đến những nơi hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa để lẩn trốn, đồng thời thay tên đổi họ và thay nơi ở liên tục. Các đối tượng này sống khép kín, ít giao lưu với bên ngoài; trong khi đó, các thông tin như ảnh, đặc điểm nhận dạng và các mối quan hệ khác của đối tượng rất ít.

Chưa kể, có những đối tượng trong diện truy nã đã lẩn trốn hàng chục năm nên dung mạo đều thay đổi. Điều này khiến công tác xác minh, truy bắt đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Bằng nghiệp vụ sắc bén và sự kiên trì bám nắm nguồn tin, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng PC52 đã bắt, vận động đầu thú được 81 đối tượng truy nã, trong đó có 22 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trong số này, có 15 đối tượng diện truy nã của các địa phương khác (có 6 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm).

Gần đây nhất, PC52 đã đấu tranh, bắt giữ được đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Thanh Thu (65 tuổi, trú quận Hải Châu). Thu bị ra lệnh truy nã từ tháng 12-1993 sau khi bỏ trốn vì tội “giết người” và bị tòa tuyên án chung thân. Thời gian đó, Thu thay tên đổi họ thành: Nguyễn Thành Thư, Nguyễn Thành Tư… nhằm che giấu thân phận. Phòng PC52 lập chuyên án, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vào cuộc xác minh. Đầu tháng 6-2017, sau khi xác minh nơi ở, tổ trinh sát của Phòng PC52 mật phục và truy bắt được Thu khi đối tượng đang trốn tại một khu vực Nhà máy Thuốc lá Đà Nẵng (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), kết thúc hành trình trốn nã kéo dài 24 năm.

Hay như chiến công trong vụ bắt giữ Nguyễn Thành Được (34 tuổi, trú quận Thanh Khê) hồi đầu năm đã khép lại hành trình 13 năm trốn nã của đối tượng đặc biệt nguy hiểm này. Trước đó, năm 2004, Được cùng nhóm đối tượng tham gia một vụ ẩu đả và một vụ cướp giật tài sản. Trong khi lần lượt 6 đối tượng trong nhóm bị bắt thì Được bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh và làm thợ sắt. Sau đó, Được chuyển ra tận vùng núi Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) rồi đổi tên thành Nguyễn Anh Vũ và lấy vợ tại đây, mọi quan hệ khác cũng đều cắt đứt. Quá trình trốn chạy nhiều nơi của đối tượng khiến việc xác minh, truy bắt gặp khó khăn. Đến khuya mồng 1 Tết Đinh Dậu, khi Được vừa về Nghệ An định tranh thủ gặp vợ con rồi sẽ tiếp tục trốn thì bị bắt giữ.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ truy bắt, với sự khéo léo, mềm dẻo, các cán bộ, chiến sĩ PC52 còn thường xuyên tìm đến từng gia đình, người thân các đối tượng có lệnh truy nã để gửi thư vận động và thuyết phục người thân kêu gọi đối tượng ra đầu thú để hưởng khoan hồng.

“Mặc dù việc làm này ít nguy hiểm, ít tốn công sức hơn, song đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải có sự kiên trì và hiểu biết hoàn cảnh của gia đình và nắm bắt diễn biến tâm lý của các thành viên chủ chốt trong nhóm người thân của đối tượng”, Đại úy Trần Tuấn Vũ, Đội phó Đội 3, Phòng PC52 chia sẻ.

Đại úy Trần Tuấn Vũ kể lại vụ việc điển hình gần đây nhất là qua thuyết phục, anh đã vận động thành công đối tượng Phan Văn Rin (23 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) ra đầu thú sau 1 tháng trốn nã vì tội “giết người”. “Lúc đầu, mặc dù đã cố gắng nhiều lần nhưng hầu như không tiếp cận được vì gia đình đối tượng từ chối. Sau đó, qua mối quan hệ từ phía mẹ của bị can, chúng tôi đã thường xuyên gặp gỡ, tác động, phân tích phải trái để mọi người trong gia đình hiểu nên sau đó đã vận động được đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng đầu thú”, Đại úy Vũ kể.

Theo Thượng tá Huỳnh Kim Nhẫn, điều quan trọng nhất là phải biết dựa vào dân để hành động. Phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực cung cấp nguồn tin quý giá; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, đội trinh sát theo sát từng đối tượng truy nã để kịp thời xác minh, bắt giữ, góp phần vì sự bình yên của cuộc sống người dân, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.