Pháp luật & Công dân

Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

.

Ngày 19-6, Luật Du lịch 2017 chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2018 thay cho Luật Du lịch  số 44/2005/QH11. Luật gồm 9 chương, 78 điều với nhiều nội dung được chỉnh sửa, đồng thời bổ sung những điểm mới so với Luật Du lịch 2005 nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, như: sửa đổi điều kiện kinh doanh lữ hành; điều chỉnh quy định cấp thẻ hướng dẫn viên; bổ sung quy định về sản phẩm du lịch; điều chỉnh các điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh; điều kiện kinh doanh vận tải du lịch; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...

Riêng về dịch vụ lữ hành, Luật Du lịch 2017 quy định rõ phạm vi kinh doanh gồm: Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa; kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Để kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp phải bảo đảm các điều kiện sau: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng; người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

 Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng; người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Theo quy định của luật này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ sau đây: Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các dịch vụ du lịch, chương trình du lịch cho khách du lịch theo phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép; bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của luật này, công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử; quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch… Ngoài ra, phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch; sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng; chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch…

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngoài những quyền và nghĩa vụ tương tự như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phải bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của luật này; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử; hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch ra nước ngoài phải sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế để đưa khách du lịch ra nước ngoài theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian đưa khách du lịch ra nước ngoài.

Luật Du lịch 2017 quy định nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với đối tác Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại các điều 31, 33, 34, 35 và 36 của luật này. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành có các quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 37 của luật này.

TH.S tổng hợp

;
.
.
.
.
.