Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2016” do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức đã cho thấy một số dấu hiệu tích cực về mặt tuyên truyền. Tuy nhiên, dù luật được “trao” vào tay nhưng nhiều người lao động vẫn còn thờ ơ nắm bắt những quy định liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của bản thân mình.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, qua 7 năm triển khai đề án, đã có gần 100.000 tài liệu được phát tận tay người lao động dưới dạng sách, tờ rơi, áp phích tuyên truyền về Bộ luật Lao động, hệ thống các văn bản quy định quyền lợi và nghĩa vụ người lao động, sổ tay dưới dạng hỏi-đáp những vấn đề thường nảy sinh trong việc thực hiện Bộ luật Lao động. Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, tuyên truyền Bộ luật Lao động cho hơn 50.000 người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức bằng hình thức tư vấn, giải đáp trực tiếp hoặc tổ chức trò chơi “hái hoa dân chủ” cho gần 3.000 lao động tại các doanh nghiệp. Nhờ vậy, qua từng năm, những vụ khiếu kiện tập thể, tình trạng đình công, lãn công... giảm dần; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể, công bố thang bảng lương, chế độ nghỉ ngơi tăng dần .
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, trong 4 năm gần đây có 727 doanh nghiệp tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, trong số này có 406 doanh nghiệp đưa hoạt động đối thoại vào kế hoạch hoạt động thường niên tại công ty.
Thông qua các hoạt động đối thoại, người lao động và người sử dụng lao động đã giải quyết được nhiều tồn đọng, mâu thuẫn để đi đến thống nhất chung. Điều này cũng được thể hiện khá rõ qua tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể đạt đến 78% vào cuối năm 2016, cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật nhưng nhiều người lao động vẫn thờ ơ với những thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Dễ dàng nhận thấy tại các buổi tuyên truyền là rất nhiều người lao động tham gia theo kiểu người nói cứ nói, người nghe cứ... dán mắt vào điện thoại hoặc nói chuyện riêng.
Tờ rơi, sổ tay được các cơ quan chức năng đầu tư biên soạn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng khi phát xuống cho người lao động thì không ít người ngay lập tức vứt bỏ. Hoạt động sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật cho người lao động tại các doanh nghiệp hầu như chỉ thu hút đoàn thanh niên, cán bộ công đoàn cơ sở, còn lại số đông người lao động ít quan tâm.
Theo một số cán bộ Công đoàn cơ sở, do không quan tâm đến nội dung các buổi tuyên truyền pháp luật nên nhiều người lao động bị “lợi dụng” mà không biết. Ví dụ, theo quy định, việc làm thêm giờ ngày thường được trả 150% và 200% so với ngày nghỉ hằng tuần và 400% lương so với ngày nghỉ lễ Tết; người quản lý lao động không được giữ giấy tờ tùy thân, các loại bằng cấp gốc của người lao động mà chỉ được giữ giấy tờ photocopy có công chứng, thế nhưng do không nắm được thông tin này nên nhiều ngươì lao động bị “thu” giấy tờ gốc, đến khi biết được thông tin lại đấu tranh theo kiểu bộc phát nên hiệu quả không như mong đợi…
THANH VÂN