Gần đây, vụ tiêm thuốc an thần vào heo bị phát hiện tại lò giết mổ gia súc, gia cầm lớn nhất TP. Hồ Chí Minh khiến người tiêu dùng hết sức phẫn nộ và lo ngại. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự như vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lò mổ, nhằm bảo đảm nguồn thịt an toàn cho người sử dụng.
Hiện Đà Nẵng có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với tổng số lượng khoảng vài chục ngàn con gà, vịt; 1.300 - 1.400 con heo, bò mổ thịt mỗi ngày. Trong đó, cơ sở giết mổ Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đảm nhiệm cung ứng tới 90% tổng số lượng. Đây là lò mổ lớn nhất thành phố thuộc Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Đà Nẵng đầu tư, khai thác. Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ tầm 1 - 2 giờ sáng trở đi là thời điểm lò mổ hoạt động nhộn nhịp. Từ đây, hàng ngàn con heo được vận chuyển từ các nơi về để cung cấp cho thị trường Đà Nẵng.
Đưa chúng tôi đi xem các quy trình giết mổ, ông Nguyễn Thành Thái, cán bộ phụ trách kiểm soát tại cơ sở Đà Sơn cho biết: “Theo quy trình, bất cứ giờ nào có xe vận chuyển gia súc, gia cầm về là các kiểm dịch viên tiến hành kiểm tra mọi giấy tờ liên quan, tình trạng động vật, sau đó mới đưa vào khu vực nuôi nhốt. Trước khi đưa vào giết mổ, các nhân viên tiếp tục theo dõi lâm sàng đến hoàn tất các công đoạn làm sạch, đóng dấu và đưa đi tiêu thụ. Hiện đơn vị khai thác lò mổ đã lắp đặt camera giám sát, quản lý từng khâu, sau mỗi chuyến xe ra vào đều có phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng tránh dịch bệnh”.
Các cán bộ thú y khẳng định, đến nay không phát hiện trường hợp nào tiêm thuốc an thần hay bất cứ loại thuốc nào cho heo tại các lò mổ. “Những hộ kinh doanh, buôn bán giết mổ tại đây đã làm nghề nhiều năm nay, nếu có tiêm thuốc là chúng tôi biết liền. Trước đó qua vận động, tuyên truyền người ta cũng nhận thức tích cực hơn, bây giờ lò mổ đã đi vào nền nếp. Tại lò mổ Đà Sơn mỗi ngày, đêm có 12 cán bộ, nhân viên Chi cục Chăn nuôi và thú y túc trực. Riêng các lò mổ nhỏ, công suất thấp chỉ 1-3 người phụ trách, tuy nhiên vào cao điểm ngày lễ, Tết các lò mổ sẽ được tăng cường thêm nhân lực để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các quy trình giết mổ gia súc, gia cầm”, ông Thái nói.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố cho biết thêm, tính đến giữa tháng 9-2017, lực lượng Chi cục đã kiểm soát giết mổ gần 20.700 con trâu, bò; gần 370.000 con heo và dê; hơn 853.000 con gia cầm. Qua đó, đã xử lý xử phạt hành chính 158 trường hợp vi phạm trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền trên 212 triệu đồng. Nhằm siết chặt hơn nữa công tác thanh, kiểm tra chất lượng thú y, Chi cục thành lập nhiều đoàn kiểm tra đánh giá định kỳ tại 8 cơ sở giết mổ động vật, 12 cơ sở chăn nuôi và 22 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi theo loại A, B, C (lò mổ Đà Sơn đã hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và xếp loại A).
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn. Kết quả cho thấy, bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt, một số cơ sở vi phạm các quy định về xử lý, thu gom chất thải rắn sau giết mổ, chưa thông dọn cống rãnh thoát nước thải hằng ngày. Khu vực giết mổ chưa được vệ sinh sạch sẽ, sản phẩm động vật sau giết mổ vẫn còn để dưới nền… Ngoài việc xử phạt nặng, Chi cục yêu cầu các chủ cơ sở phải ký cam kết khắc phục ngay những tồn tại.
DUYÊN ANH