Thay đổi cách tính lương hưu từ 1-1-2018: Chưa thực hiện đã thấy vấp!

.

Việc thay đổi cách tính lương hưu chưa thực hiện đã có những bất cập nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đề xuất thay đổi hay có lộ trình nhất định.

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%).

Cần lộ trình hợp lý để thay đổi cách tính lương hưu.
Cần lộ trình hợp lý để thay đổi cách tính lương hưu.

Thời gian áp dung luật mới sắp cận kề. Nhiều người đã “chạy” thủ tục để kịp về hưu trước thời điểm 1/1/2018. Theo ý kiến của đa số, về nguyên tắc, phụ nữ phải đóng BHXH 30 năm để hưởng 75% lương cơ bản là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, có sự “khập khiễng” khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Rõ ràng, điều này không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình cho nữ giới giống như nam giới, để “giảm sốc” từ từ, tránh việc người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt nhưng chưa thấy cơ quan nào đề xuất.

Tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí chiều 31/10, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Ban chính sách xã hội có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần có lộ trình cho cả nam và nữ cho phù hợp.

“Khi xây dựng chính sách này, nhiều người cho rằng việc nữ không có lộ trình chính là ưu tiên. Nhưng khi đưa vào thực tế thì đó không phải là sự ưu tiên mà là sự thiệt thòi. Nhưng bây giờ phải có một cơ quan nào đó, ai đó đặt vấn đề này với Chính phủ, với Thủ tướng thì chúng ta mới có thể điều chỉnh, sửa luật được” – ông Sơn nói.

Ông Sơn dẫn chứng câu chuyện của người lao động nói chung, tất cả mọi nghĩa vụ hoàn thành vào tháng 12/2017, họ sinh vào tháng 12, đủ 22 năm với nữ và 32 năm với nam, đương nhiên theo luật người ta nghỉ từ 1/1/2018, đang phải chịu cách tính tiền lương của năm 2018 theo luật mới.

“Vấn đề này đặt ra từ tháng 4/2017, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, trong đó có một phần trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tôi đã nói vấn đề này rất nhiều lần nhưng chưa thấy có động thái tích cực. Vậy thì chúng ta hãy chờ, chuẩn bị tinh thần tháng tháng 11 và 12 người lao động, người dân sẽ hỏi, chất vấn và thậm chí có lời lẽ mà các đồng chí phải gánh chịu” – ông Sơn nghiêm túc nhắc nhở các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Với tư cách là đơn vị tổ chức thực hiện, theo ông Sơn, Bảo hiểm xã hội bám vào các văn bản qui phạm pháp luật để thực hiện, còn phát sinh các vấn đề liên quan việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì phải có trách nhiệm phản ánh.

Trước đó, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, đã đề nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh việc thực hiện cách tính lương hưu mới. “Nếu đề xuất điều này, tôi nghĩ rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội ra một Nghị quyết hoặc có lộ trình để chúng ta kéo dài để đảm bảo lương hưu. Nhưng muốn đề xuất thì phải nghiên cứu, đánh giá tổng hợp xem là bao nhiêu người chịu tác động, có tác động cả không? Tôi nghĩ rằng đa số phụ nữ về hưu bây giờ không phải chỉ 25 năm, có nhiều người 30 năm, 35 năm, những người đó không có tác động bao nhiêu. Nếu tình trạng nhiều người rơi vào 25 năm thì chúng ta nên điều chỉnh” – ông Lợi nói.

Trước đó, tại phiên  làm việc của Kỳ họp thứ 7 Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 30/9,  Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngay ngày 1/10, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội ủng hộ Bộ trình với Thường vụ Quốc hội xem xét đưa thành nghị quyết để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.