Ngày 1-1-2018, quy định điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ (LĐN) theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 sẽ được thực thi. Với phương án điều chỉnh này có thể ảnh hưởng cho 21.000 LĐN trên cả nước, trong đó khoảng 4.000 LĐN chịu tác động lớn nhất từ 4%-10%. Trước tình hình đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với LĐN. Sau đây là ghi nhận ý kiến của cán bộ Công đoàn, CNLĐ, đặc biệt là LĐN về vấn đề này.
Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố: Cần có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu
Với cách tính mới, lương hưu hằng tháng đối với LĐN nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật BHXH 2014 sẽ có nhiều thay đổi bất lợi cho LĐN nếu quy định này được thực thi. Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhận được nhiều ý kiến của đoàn viên Công đoàn và người lao động, phản ánh về sự bất hợp lý này.
Vì vậy, ngày 3-11-2017, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký Văn bản số 1769/TLĐ về việc “xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với LĐN của Luật BHXH 2014” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét. Theo đó, văn bản nêu rõ, “đối với LĐN, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của LĐN nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2% (thay vì tính 3% như trước đây) mức tối đa bằng 75%. Do quy định cách tính lương hưu của LĐN thay đổi “nhảy vọt” ngay trong năm 2018 dẫn đến LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức cao nhất lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của LĐN”.
Quy định này gây tâm lý bất an cho người lao động. Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét tạm dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 Luật BHXH; cách tính lương hưu đối với LĐN từ 1-1-2018 vẫn thực hiện như cũ; đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho LĐN, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và LĐN trong thụ hưởng chính sách BHXH là hết sức hợp lý, kịp thời giúp LĐN yên tâm công tác.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để trấn an, điều chỉnh, không gây những phản ứng tiêu cực, tạo điểm nóng trong thời điểm này.
Bà Đinh Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn KCN & CX Đà Nẵng: Đánh giá tác động của chính sách
với đối tượng bị tác động trực tiếp
Trong thời gian chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội về thời gian thực thi quy định này, chúng tôi sẽ nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người lao động, nhất là LĐN biết chủ trương này để họ không còn bất an, lo lắng.
Lao động có tư tưởng bất an sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhất là thời điểm nhạy cảm cuối năm. Tôi cho rằng, quy định pháp luật chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng thì cần có đánh giá tác động thật kỹ của chính sách đó đối với tâm tư, tình cảm của đối tượng bị tác động trực tiếp. Có như vậy mới bảo đảm quy định của pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bà Dương Thị Diệm Khanh, giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, quận Thanh Khê: Mong được toàn tâm cho sự nghiệp giáo dục
Tôi là giáo viên ở bậc tiểu học, mức lương cũng không cao. Tôi mong muốn Quốc hội xem xét để LĐN chúng tôi không bị thiệt thòi, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và LĐN trong thụ hưởng chính sách BHXH. Từ đó, sẽ động viên đội ngũ nữ giáo viên chúng tôi toàn tâm toàn ý hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.
Bà Dương Thị Ngọc Lan, Công ty TNHH Valley View: Mong lương hưu đủ sống
Phương án điều chỉnh lương hưu đột ngột đối với LĐN theo Luật BHXH 2014 đã làm chúng tôi là những người CNLĐ trực tiếp vốn có mức lương không cao cảm thấy bức xúc trong thời gian vừa qua, vì với những thiệt thòi với cách tính như trên sẽ làm mức lương hưu của chúng tôi xuống thấp, không đủ sống khi về hưu. Tôi mong muốn kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi về việc thay đổi, điều chỉnh cách tính lương hưu cho LĐN được Quốc hội chấp nhận cho sửa, sẽ phần nào giúp chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến.
● Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức hội nghị tổng kết chương trình “Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”, “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn” giai đoạn 2013-2018; khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình. Qua 5 năm, các cấp Công đoàn đã thành lập mới 665/556 Công đoàn cơ sở, đạt 119,6%; kết nạp mới 61.056 đoàn viên, đạt 200% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. ● Công đoàn Viên chức thành phố tổ chức hội nghị thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn Viên chức thành phố khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022; phân công nhiệm vụ Ủy viên BCH; giới thiệu nhân sự tham gia BCH LĐLĐ thành phố khóa XVI, Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. ● LĐLĐ thành phố thăm và trao 430 triệu đồng hỗ trợ nhân dân và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và huyện Hòa Vang nhằm khắc phục hậu quả cơn bão số 12, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. ● Công đoàn Viên chức thành phố phối hợp LĐLĐ huyện Hòa Vang thăm, tặng quà 15 đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn huyện bị thiệt hại trong lũ lụt, mỗi gia đình 1 triệu đồng; thăm, tặng 7 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho 7 hộ gia đình nghèo, neo đơn tại xã Hòa Tiến. Dịp này, LĐLĐ huyện trích Quỹ hoạt động xã hội Công đoàn hỗ trợ 15 đoàn viên, mỗi suất 500.000 đồng. ● LĐLĐ và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ngũ Hành Sơn phối hợp tổ chức hội thi thể thao CNVCLĐ quận chào mừng Đại hội đại biểu Công đoàn Ngũ Hành Sơn lần thứ 5, nhiệm kỳ 2017-2022; thu hút hơn 300 vận động viên của 62 Công đoàn cơ sở trực thuộc tranh tài. THÀNH ĐIỆP |
NGỌC CHÂN ghi