Người ta nói chữ nghĩa thay đổi được con người. Nhưng nhiều vụ án cho thấy đồng tiền còn quyền năng hơn, nó biến đổi được cả người sành chữ nghĩa…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
N.S.Th (SN 1982, ngụ quận Cẩm Lệ) là con út trong gia đình có 4 người con ở làng quê nghèo tại xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Dẫu hoàn cảnh khó khăn trăm bề nhưng cha mẹ của Th. luôn nỗ lực, chắt chiu để các con có thể hoàn thành nghiệp sách vở.
Xé nát kỳ vọng của người thân
Mang theo hoài bão về một tương lai tốt đẹp hơn, chàng thanh niên trẻ hăm hở từ Nghệ An vào Đà Nẵng khởi nghiệp. Từ năm 2011-2013, Th. đăng ký thành lập 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, tư vấn du học, bất động sản, xây dựng… Tuy nhiên, khát vọng làm giàu ngày càng xa tầm với khi các công ty của Th. hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đến tháng 10-2013, Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Đà Nẵng thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với 2/3 công ty của Th.
Việc kinh doanh thất bát, số nợ mà Th. cõng trên lưng ngày càng trĩu nặng trong khi vợ Th. không có việc làm, phải nuôi con nhỏ. Cùng với đó, giấc mơ đổi đời, thoát nghèo vẫn âm ỉ, giày xéo trong tâm trí Th. Khoảng cuối năm 2014, khủng hoảng nợ nần ngày càng bế tắc, Th. nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân. Thực hiện ý định đó, Th. đưa thông tin Công ty CP du học quốc tế N.M.T nhận tư vấn cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc khoe có nhiều mối quan hệ quen biết với người có chức vụ, có thể xin việc vào ngành Công an. Bẫy lừa của Th. đã khiến 13 người “mắc câu”, trong đó có nhiều người là đồng hương của Th. Nhờ đó, từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2016, Th. đã “bỏ túi” hơn 3,2 tỷ đồng.
Ân hận muộn màng
Hôm tòa xử, Th. lầm lũi đứng sau vành móng ngựa, gương mặt đỏ bừng, cúi gằm ngại ngùng. Nơi hàng ghế dự khán, nhiều bị hại vẫn chưa nguôi nỗi bức xúc, liên tục oán trách: “Bị cáo ngon ngọt là đồng hương với tôi nên tôi mới tin tưởng”; “Tôi không có việc làm, nghe bị cáo hứa hẹn về viễn cảnh thoát nghèo ở nước Úc với mức lương 2.500 USD/tháng, tôi mới quyết tâm vay mượn khắp nơi, hy vọng giúp đỡ được gia đình. Nhưng bây giờ, tôi phải chật vật trả nợ, càng túng quẫn hơn”. Song, xen lẫn những lời than trách là lòng vị tha, bao dung của một số bị hại. Họ tha thiết xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức án để Th. có thể làm lại cuộc đời vì bị cáo còn quá trẻ.
Tòa thở dài: “Khát vọng làm giàu là chính đáng nhưng lựa chọn cách lừa đảo để kiếm tiền như bị cáo là sai trái. Bị cáo cũng từng ở trong hoàn cảnh khó khăn, lẽ ra bị cáo phải thấu hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn của những người không có việc làm, phải chật vật vay mượn tiền và gửi gắm ước mơ đổi đời. Họ cũng giống bị cáo, cũng mong muốn thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Vậy mà, bị cáo lại vì tư lợi cá nhân, đẩy những người nghèo giống mình vào cảnh khốn cùng…”. Nghe những lời này, Th. rưng rức, lúng búng lời xin lỗi.
Tòa đau đáu: “Có rất nhiều cách để vượt qua khó khăn trong kinh doanh, tại sao bị cáo không thử? Bây giờ, bị cáo không chỉ đánh đổi tương lai của mình mà còn làm sụp đổ kỳ vọng của gia đình. Bị cáo thấy có đáng không, có nuối tiếc không?”. Th. đưa đôi bàn tay to bè che lấp gương mặt. Thinh lặng hồi lâu, Th. chua xót: “Bị cáo hối hận lắm. Chỉ vì một phút yếu lòng, không giữ vững bản thân, bị cáo đã sa ngã, đánh mất tương lai. Giá có cơ hội được làm lại, bị cáo sẽ…”.
Giờ nghị án, bị cáo ngồi co rúm sau vành móng ngựa, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Tòa tuyên án Th. 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Giọng một người dự khán tiếc nuối: “Dại chi mà dại rứa không biết. Còn trẻ rứa mà lại tự phá hủy tương lai của chính mình…”. Con người không thể quyết định sinh, lão, bệnh, tử của đời mình, nhưng việc quyết định sống cuộc đời như thế nào lại trong tầm tay của mỗi cá nhân. Đáng tiếc, không ít người đã lựa chọn sai lầm trong tích tắc để rồi phải trả giá đắt.
NAM BÌNH