"Ngựa quen đường cũ"

.

Ở tuổi 25, trong khi những người bạn đồng trang lứa đang mải mê theo đuổi ước vọng tuổi trẻ thì bị cáo miệt mài vào tù ra tội, chẳng màng đến tương lai của bản thân…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chật vật với gánh mưu sinh nhưng cha mẹ của N.S.V. (SN 1992, quận Thanh Khê) luôn chắt chiu, dành dụm từng đồng từ công việc làm thuê, làm mướn để chăm lo cho việc học tập của con cái. Thế mà, không thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ cha, V. chẳng mấy bận tâm đến con chữ. Thay vào đó, V. mê mải với bạn bè, sa đà vào các buổi tụ tập vui chơi trong tiếng thở dài của cha, giọt nước mắt chua xót của mẹ.

Vừa tròn 10 tuổi, V. gia nhập nhóm bạn xấu, tham gia nhiều vụ ẩu đả tại địa phương. Chẳng những vậy, để có tiền thỏa mãn những cuộc vui, V. còn liều lĩnh trộm cắp vặt cùng nhóm bạn để có tiền chi tiêu.
Quyết tâm kéo con quay về nẻo thiện, mẹ của V. nhẹ nhàng tâm tình, cha của V. mạnh mẽ đòn roi. Nhưng mọi nỗ lực của họ đều bất thành, V. như “con ngựa bất kham” cắm đầu vào ngõ cụt. Vừa tròn 14, V. nhận quyết định vào trường giáo dưỡng. Nuốt cay đắng vào lòng, cha mẹ V. gởi gắm niềm hy vọng con trai sẽ thay đổi, làm lại cuộc đời.

Thế mà, ngược lại mong ước của đấng sinh thành, khi rời trường giáo dưỡng, V. vẫn lầm lì, ít nói, tính cách có phần ngỗ nghịch hơn xưa. Hôm nào cũng vậy, V. say khướt trở về nhà vào đêm khuya. Không ít lần, V. gây sự, đánh nhau khiến cha mẹ bị “mắng vốn”. Không đành lòng nhìn con trai ngày càng chìm đắm trong sai trái, cha mẹ V. thêm lần nữa ký vào giấy xác nhận đưa V. vào cơ sở giáo dục. Nào ngờ, sau khi rời nơi đây chưa đầy một năm, V. vẫn chứng nào tật nấy và bị bắt giữ vì hành vi “Trộm cắp tài sản”. Lần này, V. bị TAND quận Hải Châu tuyên phạt 21 tháng tù giam.

Khi trở về hòa nhập cộng đồng, tính cách của V. ngày càng tồi tệ hơn. Không chỉ tụ tập bạn bè để rượu bia, V. tập tành sử dụng ma túy để chứng tỏ bản lĩnh. Trong một lần say “nàng tiên nâu”, V. bị công an phát hiện, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau khi cắt cơn thành công, V. được cho về. Hôm trước về đến nhà, hôm sau V. đã lần mò tìm tài sản trộm cắp. Phát hiện chủ nhân của một chiếc xe đạp sơ hở, V. liền nhanh tay cuỗm rồi mang bán với giá 3 triệu đồng. Lần này, V. nhận mức án 12 tháng tù giam. Đầu tháng 1-2017, do cải tạo tốt, V. được ân xá, trở về địa phương trước thời hạn.

Nhiều lần vào tù ra trại, chứng kiến không ít nước mắt đớn đau của mẹ cha vẫn không khiến V. chùn bước. Rạng sáng 20-8-2017, trong túi không còn một xu dính túi, V. quyết định trở lại “nghề cũ”. Điều khiển xe máy quanh các con đường, V. phát hiện một ngôi nhà ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) có một cửa sổ ở tầng hai mở toang. Ngay lập tức, V. dừng lại, đưa xe đến công trình gần đó giấu vào bụi rậm rồi đột nhập vào nhà này. Sau khi rút trộm trong ví của chủ nhà là ông N.H.H. 300.000 đồng, V. tiếp tục lấy thêm chiếc điện thoại có giá trị gần 20 triệu đồng ở đầu giường. Lúc V. định bỏ trốn thì ông H. phát hiện, lao theo khống chế, bắt giữ giao cho công an phường.

Đứng sau vành móng ngựa, V. cúi gằm mặt, bối rối tránh ánh nhìn của hàng trăm người dự khán tham gia phiên xử lưu động ở hội trường Nhà văn hóa cộng đồng Bá Tùng 1 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Tòa  thẩm vấn: “Bị cáo mới 25 tuổi, là độ tuổi đẹp nhất của đời người, tại sao không chí thú lao động chân chính để mang lại niềm vui cho bản thân và gia đình? Bị cáo từng phạm phải sai trái rồi, lẽ ra, phải lấy đó làm động lực để sửa đổi, tại sao vẫn chứng nào tật nấy?”.

V. biện minh: “Ra tù, bị cáo cũng có đi xin việc làm nhưng không nơi nào nhận. Không có tiền, bị cáo mới làm liều”. Vị chủ tọa nói: “Không xin được việc chỗ này, bị cáo có thể xin việc chỗ khác. Nếu đủ kiên trì và chân thành, bị cáo chắc chắn sẽ có việc làm. Bị cáo có sức trẻ, sợ gì không kiếm ra việc”. Đến đây, V. im bặt, không còn lời nào để giải bày.

Lãnh mức án 15 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, V. lững thững theo chân các cán bộ hỗ trợ tư pháp ra xe về trại giam. Không đoán định được trên gương mặt của V. là cảm xúc gì, cảm giác từa tựa sự bàng bạc, thờ ơ của một phận người về số phận của chính mình.

Tương phản với hình ảnh dửng dưng của trẻ thơ là hình ảnh bất lực của đấng sinh thành. Dõi mắt nhìn theo bóng lưng con, đôi mắt của cha mẹ của V. nhuốm màu tuyệt vọng sau hành trình chân sấp chân ngửa theo con trên hành trình về nẻo thiện. Ông nhìn bà, bà nhìn ông, không ai nói với nhau câu nào, chỉ có tiếng thở dài thườn thượt vang vọng giữa sân tòa…

DUY AN – NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.