Bị cáo Đinh La Thăng không đồng tình với quy kết có lợi ích nhóm

.

● Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Từ chối luật sư bảo vệ ông Trần Bắc Hà

Sáng 16-1, sau phần đối đáp của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng đã phát biểu bổ sung liên quan đến nội dung luận tội và đối đáp của đại diện VKS. Nói rằng đã lắng nghe và trân trọng quan điểm luận tội của VKS, nhưng bị cáo Đinh La Thăng cũng trình bày một số vấn đề mà bị cáo cho rằng VKS quy kết chưa đúng.

Về quan điểm của VKS cho rằng có lợi ích nhóm mà biểu hiện chính ông Thăng đã chuyển và đề bạt bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận để rồi ưu ái cho Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị xem xét lại, vì việc người đi, người đến và thủ trưởng bổ nhiệm cán bộ là bình thường.

“Các bị cáo ngồi đây, từ anh Thực trở xuống đều do bị cáo bổ nhiệm cả. Chẳng lẽ cứ bổ nhiệm là lợi ích nhóm? Vấn đề này không phải thuần túy là lời buộc tội mà còn là lương tâm, trách nhiệm, danh dự của tập thể và của nhiều người”, ông Đinh La Thăng bày tỏ không đồng tình với lập luận của đại diện VKS.

Liên quan đến ý kiến của đại diện VKS ngày 15-1 cho rằng rất buồn trong vụ án này cấp dưới nhận trách nhiệm nhưng cấp trên lại không nhận, ông Đinh La Thăng một lần nữa nhấn mạnh bản thân là người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn trước tháng 8-2011 nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu, nhận chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một Chủ tịch HĐTV. Bị cáo cũng đã đề nghị sẵn sàng nhận trách nhiệm cho tất cả cán bộ dưới quyền chỉ vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ dự án, không động cơ cá nhân hay vụ lợi mà dẫn đến sai phạm.

Nhắc lại lời đại diện VKS cho rằng thời điểm thực hiện dự án PVC không đủ năng lực mà chỉ có Lilama, ông Đinh La Thăng khẳng định lúc đó không có đơn vị nào đủ điều kiện, nhất là về kinh nghiệm. Việc chỉ định thầu sau khi được đồng ý về chủ trương thì PVN cũng chỉ chọn thành viên của tập đoàn chứ không chọn bên ngoài và lúc đó PVC là đơn vị mạnh nhất về xây lắp.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, thẩm quyền chỉ định thầu với dự án Thái Bình 2 thuộc HĐTV PVPower quyết định. Khi bị cáo chuyển công tác từ tháng 8-2011, chủ đầu tư chuyển về PVN thì lãnh đạo tập đoàn đánh giá lại vẫn chỉ định PVC đủ năng lực thực hiện dự án Thái Bình 2. Do đó chủ trương chỉ định thầu không phải do cao hứng, nhất thời hay do bị cáo tự nghĩ ra.

Còn về hợp đồng 33, bị cáo Đinh La Thăng nhấn mạnh lại, thẩm quyền là PVPower, còn HĐTV của tập đoàn chỉ đạo bằng nghị quyết, văn bản, kết luật chứ không chỉ đạo bằng miệng. Bản thân bị cáo chỉ được thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình, vì nếu vượt thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Trong các cuộc họp bị cáo không nhận được báo cáo nào của PVPower, Ban Tổng Giám đốc hay của cá nhân nào về việc hợp đồng 33 sai phạm.

Về tạm ứng tiền, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nếu ông chỉ đạo ký hợp đồng 33 thì khi có đề xuất xin tạm ứng chỉ cần 1 tiếng sau là tiền về PVPower. Tuy nhiên, “đây là đồng tiền của dân thì PVN có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, trân trọng từng đồng. Chính vì vậy, bị cáo yêu cầu phải thực hiện đúng quy định”. Điều đó thể hiện ở việc PVPower 4 lần đề nghị thì 3 lần bị cáo không giải quyết, một lần thì chỉ đạo tạm ứng theo quy định và PVC không được sử dụng tiền này cho dự án khác ngoài Nhiệt điện Thái Bình 2.

“Chính vì nâng niu đồng tiền của dân nên bị cáo mới không đồng ý theo đề xuất của PVPower”, ông Thăng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, đối với PVPower trực tiếp thực hiện dự án mà không bị xử lý thì với các bị cáo khác cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại.

Ngoài ra, việc nói PVC tiếp nhận một số dự án thua lỗ, làm ăn không hiệu quả nên khó khăn, theo bị cáo Đinh La Thăng, đó là thực hiện chủ trương tái cơ cấu tập đoàn, có đơn vị của PVC cũng chuyển cho đơn vị khác và việc chuyển là mua bán theo thị trường nên không thể nói nhận thêm mà khó khăn. Hơn nữa, thời điểm đó PVC vừa bán 40% nên thu khoảng 2.500 tỷ đồng nên không phải vì khó khăn mà lấy tiền dự án Thái Bình 2 chuyển cho PVC.

Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Hệ lụy của việc chỉ định nhà thầu kém năng lực

Ngày 16-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) và đồng phạm được tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư, các bị cáo.

Đáng lưu ý, trong phần đối đáp của mình, đại diện VKS đã đưa ra nhiều tài liệu, bằng chứng để nêu lên những hậu quả nặng nề từ việc chỉ định nhà thầu kém năng lực là PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trên cơ sở những tài liệu và chứng cứ thu thập được, lời khai của các bị cáo, người làm chứng, người giám định, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, VKS xác định: Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng. Số tiền thiệt hại trên 119 tỷ đồng và 13 tỷ đồng tham ô chưa nói hết được tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ngoài những thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo đã làm dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng EPC đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Mặt khác, nếu phạt theo Hợp đồng EPC sẽ lên tới hàng trăm triệu USD bởi mỗi ngày bị phạt theo Hợp đồng EPC là 500.000 USD. Bản thân PVC cũng chịu chi phí phát sinh rất lớn. Theo Báo cáo 117 của PVC ngày 6-1-2018, PVC chi phí phát sinh tới 155 tỷ đồng/năm. Chưa kể tới một loạt hệ lụy khác về kinh tế, xã hội do dự án chậm tiến độ gây ra.

Ngày 17-1, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại Tòa.

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Từ chối luật sư bảo vệ ông Trần Bắc Hà

Ngày 16-1, giai đoạn 2 phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.

Mở đầu phiên xử, Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản thông báo, sáng 16-1 người đại diện tham gia phiên tòa cho ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã nộp Hội đồng xét xử các tài liệu liên quan tới việc ông Hà nhập cảnh Singapore từ ngày 7-1 để khám chữa bệnh. Các tài liệu này đều có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.

Đồng thời, Hội đồng xét xử đã nhận được đơn từ Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu Luật sư Nguyễn Đức Cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, nội dung đơn đề nghị không thể hiện ý chí của ông Trần Bắc Hà cũng như không được hợp pháp hóa lãnh sự khi bản thân ông Hà không có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn xin bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức.

B.T

;
.
.
.
.
.
.