Ký sự Pháp đình

Một lần nông nổi, cả đời dở dang

.

Cha mẹ bị cáo tảo tần, lam lũ cả đời chỉ để nuôi dưỡng giấc mơ học vấn của con thơ. Vậy mà, chỉ vì giây phút bồng bột tuổi trẻ, bị cáo đi từ lỗi lầm này đến sai trái khác, hoang phí tình yêu thương của mẹ cha, hoang phí tuổi thanh xuân đang độ rực rỡ…

1. H.K.V (SN 1995, quê Quảng Nam) sinh trưởng trong gia đình làm nông nhưng chưa bao giờ phải vất vả một nắng hai sương với ruộng đồng. Bao nhiêu an nhàn, cha mẹ của V. để phần cho con. Bao nhiêu vất vả, cha mẹ của V. giành hết về mình. Cha mẹ của V. chỉ có một ước mong duy nhất trong đời là con thơ sẽ học hành đến nơi đến chốn, thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Thế nhưng, dù làm việc quần quật từ sáng đến tối, họ vẫn chật vật chạy cơm ngày 3 bữa. Thương con cái thiếu thốn, theo gợi ý của người quen, mẹ của V. chuyển ra Đà Nẵng làm thuê tại các quán ăn. Một năm sau, bà nghĩ suy nếu cứ mãi đi làm thuê thì cái nghèo vẫn sẽ đeo bám dai dẳng nên quyết định chuyển sang mua bán phế liệu.

Thử nghiệm vài tháng, thấy thu nhập đỡ hơn nhiều, bà rủ chồng cùng ra Đà Nẵng mưu sinh. Họ thuê một phòng trọ ở đường Tôn Đản (quận Cẩm Lệ) làm chốn đi về, cặm cụi làm việc, gói ghém, chắt chiu từng đồng để lo cho các con đến trường.

Cùng khoảng thời gian này, V. tốt nghiệp phổ thông, thi đậu vào một trường đại học. Nghe tin con trai đậu đại học, cha mẹ V. ôm chầm nhau rưng rưng, ngập tràn hạnh phúc. Nhưng niềm vui chưa tan, nỗi lo đã đến khi mức học phí của V. cao ngất ngưỡng, vượt quá khả năng của gia đình.

Thương cha mẹ vất vả, V. vừa đi học, vừa tiếp tục ôn thi. Năm sau đó, V. thi đậu vào một trường đại học tại thành phố Hội An (Quảng Nam) và chuyển sang ngôi trường mới.

2. Xa nhà, V. đăng ký ở ký túc xá. Trong mắt bạn bè, V. là sinh viên hiền lành, dễ thương. Hằng ngày, ngoài thời gian đến trường, V. chỉ ở trong phòng hoặc ra quán cà-phê trò chuyện cùng bạn bè. Vào cuối năm 2016, V. được bạn bè rủ xem đá bóng.

Để tăng phần hứng thú, cả nhóm cùng chơi cá độ nhỏ, mỗi trận vài chục nghìn đồng. Thua nhiều hơn thắng, tích nhỏ thành lớn, số tiền thua của V. lên đến vài triệu đồng. Cha mẹ chỉ chu cấp đủ tiền chi tiêu. V. đành phải vay mượn bạn bè để chung chi.

Cuối tháng 5-2017, bạn bè đòi nợ nhưng V. không có trả nên mượn xe máy của bạn, từ Hội An ra Đà Nẵng để xin tiền cha mẹ. Được cha mẹ cho 500.000 đồng, V. lúng túng vì vẫn không đủ tiền trả nợ. Bí bách sinh liều lĩnh, khi đi ngang một tiệm vàng, V. nảy sinh ý định cướp.

V. lấy một thanh tre làm hung khí rồi chạy lòng vòng tìm cơ hội. Khi đến tiệm vàng N.H. trên đường Trường Chinh (Đà Nẵng), thấy vắng khách, V. chạy vào, dùng thanh tre đập vào tủ kính nhưng không vỡ. Lúc này, chủ tiệm vàng phát hiện, tri hô, V. hoảng hốt lên xe tẩu thoát.

Từ đó, V. kiên quyết từ bỏ trò đỏ đen và tiêu dè xẻn để trả nợ. Nhưng xoay xở mãi vẫn không đủ tiền, chiều 5-6-2017, V. lại mượn xe máy của bạn để đi Đà Nẵng thăm mẹ. Khi ngang qua tiệm vàng Đ.L.C trên đường Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn), ý định cướp vàng lại lần nữa xuất hiện trong đầu chàng sinh viên.

Chạy xe qua lại tiệm vàng 2 lần, quan sát thấy chủ tiệm đi vào bên trong nhà, V. liền dừng xe cách tiệm vàng khoảng 15m. Sau đó, V. mở balo lấy dao thái lan bỏ vào túi xách trước ngực, cầm thanh gỗ có gắn cục đá đi đến tiệm vàng đập vỡ tủ kính đựng trang sức cướp giật 24 chiếc bông tai bằng vàng tây. Tổng giá trị tài sản V. chiếm đoạt hơn 24 triệu đồng.

TAND quận Ngũ Hành Sơn xử sơ thẩm tuyên phạt V. 5 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Sau đó, V. có đơn kháng cáo xin được xét xử theo trình tự phúc thẩm để giảm nhẹ hình phạt.

3. Hôm tòa xử phúc thẩm, V. ngồi lầm lũi ở một góc phòng xử, đôi bàn tay to bè che kín gương mặt vẫn không lấp kín nét căng thẳng, lo lắng, thấp thỏm. Đôi bàn tay ấy, trước giờ xét xử, chưa từng rời khỏi gương mặt bợt bạt của bị cáo, hoặc bấu chặt, hoặc run rẩy đan xen vào nhau. Ít ai có thể ngờ người thanh niên có dáng vẻ thư sinh đang cúi gằm mặt ấy lại có thể táo tợn thực hiện hành vi cướp tiệm vàng.

Suốt phiên xử, V. tha thiết xin được giảm án để được tiếp tục đến trường. Giọng bị cáo nghẹn ngào: “Bị cáo đã biết mình rất sai, rất có lỗi. Bị cáo có lỗi với cha mẹ, khiến cha mẹ phải lo lắng, thất vọng, xấu hổ. Bị cáo cũng có lỗi với bản thân khi chính bị cáo đã bôi vết mực đen vào lý lịch đời mình.

Bị cáo không biết mình có thể được đến trường nữa không. Cha mẹ bị cáo cực khổ cả đời rồi, không biết bị cáo có thể xin việc được không để đỡ đần gánh nặng cho cha mẹ. Bị cáo sai rồi, bị cáo hối hận quá”.

TAND thành phố cân nhắc hành vi của bị cáo không thỏa mãn tình tiết “dùng thủ đoạn nguy hiểm” khi dừng xe cách hiện trường, không điều khiển xe thực hiện hành vi cướp giật gây ra nguy hiểm cho bị hại và những người khác nên quyết định chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, tuyên giảm từ 5 năm tù xuống còn 4 năm 6 tháng tù.

Án tuyên, V. thoáng mỉm cười mừng rỡ nhưng nụ cười nhanh chóng méo xệch, quyện hòa cùng giọt nước mắt lăn dài. Phía sau, cha mẹ của các bị cáo bước sấp bước ngửa đuổi theo con rồi té ngã trong những giọt nước mắt bất lực.

Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dự khán thở dài tiếc nuối cho các bị cáo khi đã hoang phí tình yêu thương của mẹ cha, sự kỳ vọng của gia đình, tương lai, tuổi thanh xuân vào chốn lao tù chỉ vì giây phút nông nổi, bồng bột. Những năm tù rồi sẽ trôi qua, nhưng khi ra tù không biết V. có quay lại việc học không? Điều đó thì tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc rằng V. đã học được rất nhiều điều. Có điều, mức học phí quá đắt…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.
.