Ngày 26-1, phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư. Tại phiên tòa, các luật sư đã tập trung lập luận, phân tích luận cứ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.
Nhằm gỡ tội cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), các luật sư đã phân tích, tranh luận xoay quanh các chứng cứ kết tội “Tham ô tài sản”. Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền quyết định trong việc PVP Land chuyển nhượng cổ phần, mà thẩm quyền của việc này thuộc về PVP Land.
Đối với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Bản thân bị cáo Thanh cũng đã chiếm hưởng số tiền lớn là 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ là người kết nối cho bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan) gặp bị cáo Thanh để bàn về việc thoái vốn. Chủ trương này đã có từ trước, chính bị cáo Thanh cũng khẳng định như vậy. Mặt khác, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng không hề biết gì về trình tự, quy trình, thỏa thuận, thương lượng về giá cả. Vai trò của Thắng chỉ là giới thiệu tiếp xúc, gặp gỡ… Như vậy, theo luật sư, bị cáo Đinh Mạnh Thắng không có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.
Về nội dung này, quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát xác định: Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land…
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) và Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) đã tập trung phân tích trách nhiệm và vai trò trong việc chỉ đạo giảm giá chuyển nhượng cổ phần tại Dự án Nam Đàn Plaza để hưởng chênh lệch.
Ngày 28-1, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư.
* Trong khi đó, ngày 26-1, tiếp tục phần tranh luận phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2, đại diện 3 ngân hàng gồm TPBank, Sacombank và BIDV đã đồng loạt phản bác quan điểm và yêu cầu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) trong việc buộc 3 ngân hàng nói trên phải liên đới bồi thường 6.126 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB.
B.T tổng hợp