Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Điều tra công khai tại tòa

.

Ngày 12-1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi.

Đề nghị điều tra công khai tại tòa

Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền hơn 6.100 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Bộ Công an chưa thực hiện. Vì thế, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị cáo và người có liên quan gây ra, cũng như phân định trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Bị cáo Phạm Công Danh rời phòng xử (chiều 9/1). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Bị cáo Phạm Công Danh rời phòng xử (chiều 9-1). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

 Làm rõ hơn đề nghị này, tại phiên tòa, Điều tra viên Tăng Thị Nga (Bộ Công an) xác nhận có nhận được công văn kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc đề nghị cơ quan tố tụng thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng nêu trên. Quá trình điều tra đã xác định số tiền hơn 6.100 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại thông qua các khoản vay từ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

Theo bà Tăng Thị Nga, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định số tiền này là tang vật vụ án nên phải thu hồi nhưng do không nêu rõ cơ chế thu hồi nên đến nay Cơ quan điều tra chưa tiến hành được. Ngoài ra, hành vi gửi tiền, tất toán tiền gửi chưa có kết luận sai phạm nên không có cơ sở để thu hồi làm bằng chứng, vật chứng của vụ án. 

Vay 4.700 tỷ đồng của BIDV để tăng vốn điều lệ cho VNCB

Tại tòa, Phạm Công Danh cho rằng, do bị Ngân hàng Nhà nước “thúc ép” việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng nên bản thân đã vay 4.700 tỷ đồng của BIDV. Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, bản thân bị cáo đã xin giãn thời gian tăng vốn nhưng không được chấp nhận. Lời khai này của bị cáo Phạm Công Danh được bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) xác nhận tại phiên tòa.

Ngoài ra, Phan Thành Mai giải thích thêm việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VNCB tăng vốn điều lệ vì điều này đã được phê duyệt về lộ trình trong kế hoạch tái cơ cấu của VNCB. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử chất vấn việc có văn bản triển khai nội dung này hay không, bị cáo Mai xác nhận không có.

Về số tiền 1.800 tỷ đồng vay của Sacombank, Phạm Công Danh khai không nhớ sử dụng cho việc gì nhưng khẳng định có dùng trả cho BIDV. Trong vụ án này, ông Đoàn Ánh Sáng (Tổng Giám đốc BIDV) là người phê duyệt 12 hợp đồng tín dụng do Ban Khách hàng doanh nghiệp của BIDV trình với nội dung đồng ý cho ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Sáng cho biết, vào thời điểm cho vay, chủ thể vay là pháp nhân Tập đoàn Thiên Thanh, không phải cá nhân ông Danh vay tiền. Tài sản đảm bảo cho vay là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty. Ông Sáng cũng xác nhận Phạm Công Danh đã tất toán các khoản vay, đến kỳ hạn nợ, BIDV thu tiền từ tài sản đảm bảo là tiền gửi của Tập đoàn Thiên Thanh mở tại Sở giao dịch 2 của BIDV.

Đại diện Viện Kiểm sát Tối cao tham gia phiên tòa chất vấn ông Đoàn Ánh Sáng: “Nguồn tiền trả trên là nguồn tiền do phạm tội mà có bằng cách rút tiền bất hợp pháp từ VNCB vay Sacombank khoảng 1.800 tỷ đồng để trả cho BIDV. Vậy ông suy nghĩ như thế nào về việc khắc phục hậu quả này?”.  Về vấn đề này, ông Đoàn Ánh Sáng trả lời: “Chúng tôi không biết nguồn từ đâu mà có. Còn tiền về tài khoản doanh nghiệp đang mở tại ngân hàng chúng tôi thì chúng tôi trích để thu hồi nợ”.

Chiều cùng ngày, tòa sẽ tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Theo TTXVN

;
.
.
.
.
.
.