Pháp luật & Công dân

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2018

.

Phối hợp ngăn chặn, điều tra buôn lậu; thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy; sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3-2018.

Phối hợp ngăn chặn, điều tra buôn lậu

Có hiệu lực từ ngày 10-3-2018, Nghị định 12/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu. Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm: Phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc lập hồ sơ và xử lý các vụ việc vi phạm.

Thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy

Từ ngày 16-3-2018 đến hết ngày 31-12-2019, việc thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô-tô, xe máy được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành. Thông tư này hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô-tô, xe máy, trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô-tô, xe máy, không bao gồm rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô-tô, các loại xe tương tự và vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của ô tô, xe máy được thay thế mà phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng

Có hiệu lực từ ngày 5-3-2018, Thông tư 04/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng quy định rõ về sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Theo đó, kinh phí quản lý được trích tối đa 0,5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ. Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của quỹ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Số tiền dịch vụ môi trường rừng còn lại sau khi trích kinh phí quản lý được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thông tư nêu rõ: Kinh phí quản lý được trích tối đa 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy quỹ, chi phụ cấp kiêm nhiệm và hỗ trợ chi phí quản lý đối với các đơn vị, tổ chức được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) giao hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chi trả (nếu có). Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ, trình UBND dân cấp tỉnh quyết định. Kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để dự phòng theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 147/2016/NĐ-CP. Mức trích kinh phí dự phòng cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.

5 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức

Theo Thông tư 01/2018/TT-BNV ngày 8-1-2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ 1-3-2018, quy định: cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong 5 trường hợp sau: 1- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập; 2- Cấp cho người không đủ điều kiện; 3- Cấp không đúng thẩm quyền; 4- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa; 5- Để cho người khác sử dụng.

D.M tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.