Vụ PVN mất 800 tỷ: Cách ly ông Đinh La Thăng để thẩm vấn các bị cáo

.

4 bị cáo nguyên thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN đã trả lời trong phần thẩm vấn sáng nay.

Sáng 19-3, phiên tòa xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) bước vào phần thẩm vấn.

Cách ly bị cáo Đinh La Thăng

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Vũ Khánh Trường – nguyên thành viên HĐTV PVN cho biết, bị cáo tham gia việc góp vốn lần thứ 2 và 3 vào Oceanbank. Bị cáo ký nghị quyết góp vốn sau khi các thành viên HĐQT đồng ý. Bị cáo cho rằng đã có sự đồng ý về mặt chủ trương thì những lần góp vốn tiếp theo chỉ là làm "theo quá trình" và đều theo ủy quyền của ông Đinh La Thăng.

Bị cáo Vũ Khánh Trường tại tòa.
Bị cáo Vũ Khánh Trường tại tòa.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa: "Có phải tiền góp vốn ra ngoài công ty mẹ đều phải báo cáo Thủ tướng không?", bị cáo Trường nói: "Đúng" nhưng cho rằng khi ký chưa cần mà trước lúc chuyển tiền mới cần báo cáo.

Lần góp vốn thứ 3 (góp 100 tỉ đồng), bị cáo Trường khai khi Ban TGĐ trình xin tăng vốn, bị cáo đã có ý kiến "đồng ý". Tuy nhiên, bị cáo Trường khai thêm rằng không nắm được quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 và nói: "Nếu biết, bị cáo không bao giờ đồng ý phương án tăng vốn".

Trước khi thẩm vấn bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN), Hội đồng xét xử yêu cầu lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Đinh La Thăng và Phan Đình Đức vào phòng cách ly.

Ký khi chưa nắm rõ Luật

Bị cáo Thắng khai có ký đồng ý để PVN tham gia vào lần góp vốn lần thứ 3 khi các thành viên khác đã đồng ý và ký trước. Ông thừa nhận nghị quyết góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank được PVN thông qua song chưa báo cáo Thủ tướng.

Bị cáo cho biết khi ký thì chưa biết quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục bị tòa gọi thẩm vấn, ông Nguyễn Thanh Liêm thừa nhận lần góp vốn thứ 3 vào Oceanbank không báo cáo Thủ tướng. Bị cáo khai rằng mình được lấy ý kiến và lúc ấy chưa hề biết việc Luật các Tổ chức tín dụng đã có hiệu lực.

Là người trả lời thẩm vấn cuối cùng trong buổi sáng nay, bị cáo Phan Đình Đức – nguyên thành viên HĐTV PVN cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ án, ông không có mặt thường xuyên ở tập đoàn. Khi đi công tác về, ông thấy có công văn trên bàn về việc góp vốn lần 3 thì ký nhưng "không thể hiện đồng ý hay không đồng ý".

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT PVN (giai đoạn từ 2008-2011), ông Thăng đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm (khi đó là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị.

Ông Thăng quyết định việc góp vốn vào OceanBank khi biết rõ năng lực yếu kém của ngân hàng này; ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn…

Ngày 1-1-2011, luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực quy định “Một cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng” nhưng ông Đinh La Thăng không thoái vốn khỏi Oceanbank mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương, người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Sau đó, ông Thăng uỷ quyền điều hành để Nguyễn Xuân Sơn ký Nghị quyết 4266 về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn lên 800 tỷ đồng để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ là trái quy định tại khoản 2 điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.