Sáng 21-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục ngày làm việc thứ 3.
Theo cáo buộc, sau khi PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược có 20% vốn điều lệ của OceanBank, trong thời gian từ khoảng tháng 3-2009 đến tháng 12-2013, Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán PVN, được Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank trực tiếp hoặc thông qua ông Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Phó Giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank đưa nhiều lần tiền mặt với tổng số 20 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hà Văn Thắm, cũng như lời khai tại cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Sơn khai, trong số tiền nhận được 69 tỷ đồng, Sơn đưa lại cho Ninh Văn Quỳnh khoảng 30-40 tỷ đồng để nhờ Quỳnh cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền tại OceanBank.
Sang giai đoạn năm 2010-2014, khi Sơn làm Phó Tổng Giám đốc PVN, Hà Văn Thắm tiếp tục nhờ Sơn nhận tiền để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại OceanBank; trung bình khoảng 45 ngày thì Nguyễn Xuân Thắng nhận tiền từ OceanBank đưa về cho Sơn khoảng 5 tỷ đồng để Sơn đưa lại cho Quỳnh. Tổng cộng thời gian này, Sơn nhận khoảng 200 tỷ đồng từ OceanBank và đưa toàn bộ cho Quỳnh.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Ninh Văn Quỳnh phủ nhận lời khai trên và khẳng định chỉ nhận 20 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân gồm: gửi tiết kiệm, chi phí sinh hoạt cho con đi học nước ngoài… Tuy nhiên, sau khi Quỳnh bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi này, gia đình Quỳnh đã khắc phục hết số tiền trên.
Luật sư công bố lời khai của ông Quỳnh ở cơ quan điều tra thể hiện bị cáo biết rõ được nhận tiền vì thời điểm đó số tiền gửi của PVN ở OceanBank rất lớn. Bị cáo Quỳnh phản bác nội dung này và cho rằng vụ việc xảy ra đã lâu và nay khai theo trí nhớ, đồng thời khẳng định “không tính toán, đòi hỏi hay bàn bạc gì”. “Ông Sơn khai mua cho ông một căn hộ ở chung cư cao cấp ở Starcity trị giá 5 tỷ đồng. Ý kiến của ông như thế nào?”, luật sư hỏi. “Bị cáo không có căn hộ nào và không mua căn hộ nào ở Starcity”, bị cáo Quỳnh nói.
Khi đối chất, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai đưa tiền cho ông Quỳnh nhiều lần, lần nhiều nhất là 5 tỷ đồng, có lần 2-3 tỷ đồng. “Mục đích chi tiền của OceanBank là để trả cho khách hàng tương xứng với lượng tiền gửi, phù hợp với chính sách chăm sóc khách hàng của OceanBank. Hoàn toàn trên cơ sở tiền gửi, tỷ lệ tiền được hưởng của khách hàng, đây là chính sách chung của ngân hàng”, bị cáo Sơn khai.
Cựu Tổng Giám đốc Oceanbank cũng khai, trong hai năm 2009 và 2010 đã chi ít nhất cho ông Quỳnh 30-40 tỷ đồng. Theo bị cáo này, sự có mặt của Nguyễn Xuân Thắng trong 2 lần giao tiền là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” chứ không phải để làm chứng. Giữa Quỳnh và Sơn hoàn toàn tin tưởng nhau nên không có giấy tờ chứng minh.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói rằng, biết Quỳnh đang có nhu cầu mua căn hộ ở tầng 16 chung cư Starcity nên đã bàn bạc với Hà Văn Thắm tính toán lượng tiền chuyển cho khách hàng PVN nên mỗi lần chuyển tiền, Sơn trừ lại 1 tỷ đồng để nộp tiền mua nhà cho Quỳnh.
Oceanbank xác định PVN gửi tiền nhiều, là đối tác chiến lược, là người nhà nên chính sách không như người ngoài. Số tiền OceanBank chi cho PVN luôn dao động trong khoảng 1% và lượng tiền mỗi lần ông Nguyễn Xuân Sơn lấy đi chăm sóc khách hàng thường là 5 tỷ đồng.
Trả lời Hội đồng xét xử liên quan trách nhiệm bị cáo buộc cố ý làm trái trong vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định việc PVN mất vốn là thuộc trách nhiệm của người ký văn bản không cho thoái vốn. “Ai ký văn bản ngừng thoái vốn thì phải chịu trách nhiệm”, bị cáo Đinh La Thăng nói.
Theo trình bày của bị cáo Đinh La Thăng, lộ trình thoái vốn của PVN tại OceanBank đã được ông Phùng Đình Thực báo cáo cụ thể. Lộ trình này đã được xây dựng từ năm 2012 và đến tháng 1-2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép lộ trình thoái vốn từ năm 2013-2015. “Các văn bản cho thấy việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011. Sau đó, Chính phủ không đồng ý thoái vốn thì trách nhiệm thuộc người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN. Bởi vậy việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN, ông Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng lập luận rằng, vì PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản trình để báo cáo, OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị xin mua với giá tối thiểu là bằng giá nhưng lại không được thoái vốn.
B.T