Sợ mọi người miệt thị, sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái… là nỗi day dứt ám ảnh những người phụ nữ lỡ sa vào con đường phạm tội.
Được sự giáo dục của quản giáo trại, các phạm nhân nữ luôn nỗ lực để cải tạo tốt, sớm trở về địa phương. |
Cuối tháng 7-2018, chúng tôi đến Trại tạm giam-tạm giữ Hòa Sơn để tìm hiểu quá trình cải tạo của các nữ phạm nhân nơi đây. Bên trong khuôn viên trại có 3 nữ phạm nhân đang quét dọn, chăm sóc cây xanh. Một nữ phạm nhân cúi đầu chào cán bộ trại và khách, khuôn mặt buồn rười rượi. Nữ phạm nhân tên Mai Thị L. (55 tuổi, hộ khẩu thường trú Thái Bình) chia sẻ về quá khứ buồn trong tiếng khóc:
“Chồng mất sớm nên hai mẹ con vào Đà Nẵng thuê nhà sinh sống rồi làm nghề trang điểm cô dâu cho một tiệm áo cưới nổi tiếng. Cách đây vài năm, tôi cho một phụ nữ quen biết mượn 2 triệu đồng. Khi đến đòi thì bà này nhiều lần không trả, nên mẹ con tôi “dắt” chiếc xe máy của bà này về với ý định sau khi người này trả tiền sẽ gửi lại xe máy. Nhưng không ngờ, người kia tố giác, hai mẹ con tôi bị bắt về tội “cướp tài sản” với 36 tháng tù giam cho mỗi người”.
Do hoàn cảnh khó khăn, bà vào trại thụ án muộn hơn con trai. “Những ngày đầu mới vào, tôi cảm giác cuộc đời mình rất u ám, nhất là khi bạn tù nhìn mình với tội “cướp”. Thương con, nghĩ đến tương lai của con mà nước mắt lúc nào cũng chực trào và hầu như không đêm nào tôi ngủ được. Nhưng sau đó, được Ban Giám thị Trại và cán bộ quản giáo tận tình chỉ bảo, khuyên răn, nên dần dần tôi đã lấy lại tinh thần”, bà L. chia sẻ.
Bà trải lòng, do không hiểu biết pháp luật nên không biết hành vi “dắt” chiếc xe máy của người mượn tiền mình thì bị quy vào tội “cướp tài sản” theo quy định của Bộ luật Hình sự. “Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ bỏ số tiền mình đã cho người ta mượn, chứ không bao giờ làm vậy. Giờ mọi thứ đã muộn nên cố gắng cải tạo tốt để về với xã hội”, bà L. nói.
Nỗi ray rứt lớn nhất của bà chính là làm hại con mình. Giờ đây, con trai bà đã thụ án xong và được một nhà xe tại Đà Nẵng nhận vào làm phụ xe. Mỗi lần hai mẹ con gặp nhau, bà khóc, động viên con phải làm việc thật tốt để xóa án tích.
Còn nữ phạm nhân Phạm Thị N. (53 tuổi, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) cũng không thôi ray rứt khi mang án phạt 54 tháng tù giam với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Làm nghề bất động sản, giữa năm 2016, bà N. được một phụ nữ không rõ tên tuổi nói về việc tìm người để giới thiệu vào ngành Công an.
Tin tưởng, bà N. đã tìm “mối”, sau đó lấy tiền của người cần việc để đưa cho người phụ nữ này, còn bà nhận “hoa hồng” chênh lệnh. Chờ mãi không có việc làm trong ngành Công an, các bị hại đã làm đơn tố cáo bà N. về hành vi lừa đảo. Bà N. bị công an bắt giữ ngay sau đó. Cũng như những nữ phạm nhân khác, khi bước vào cánh cửa tù, bà N. cảm thấy cuộc đời mình như bước vào ngõ cụt. Nếu không có lãnh đạo trại, các quản giáo tận tình giúp đỡ thì bà đã suy sụp rồi nghĩ quẩn.
“Tham tiền nên tôi đã làm ảnh hưởng đến tương lai con cái mình. Đứa con trai cũng có nhiều ước mơ, hoài bão lớn nhưng mẹ nó đi tù nên ước mơ đó đã bị dập tắt. Tôi rất sợ sau này khi trở về địa phương sẽ bị mọi người ghẻ lạnh, không tin tưởng, bởi mình từng mang án lừa đảo. Tôi ân hận lắm!”, bà N. chia sẻ.
Thượng tá Trần Ngọc Hồng, Phó Giám thị Trại tạm giam – tạm giữ Hòa Sơn, Công an thành phố cho biết, tại đây chỉ có 6 nữ phạm nhân trên tổng số hơn 70 phạm nhân đang thụ án. Các nữ phạm nhân đều cảm thấy ray rứt vì lỗi lầm mình gây ra. Để giáo dục tốt tất cả các phạm nhân, hằng năm, trại đều đề ra kế hoạch cụ thể theo chương trình của Bộ Công an.
Khi phạm nhân mới vào, lãnh đạo trại chỉ đạo quản giáo nắm tình hình phạm nhân; qua đó phân tích, động viên, giáo dục họ thực hiện tốt nội quy trại. Đặc biệt, trại thường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao cho phạm nhân vui chơi, giải trí. Những ngày lễ, Tết, trại có chế độ đặc biệt để phạm nhân không bi quan và đỡ nhớ nhà, qua đó phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về địa phương làm lại cuộc đời…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ