Khó quản lý người nghiện

.

17 tuổi, bỏ học, từ huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), T. vào Đà Nẵng làm phụ xe tải chuyên chở nông sản từ các tỉnh Tây Nguyên về Đà Nẵng. Sau đó T. bị công an bắt quả tang khi sử dụng ma túy ở một quán cà-phê. 19 tuổi, sau nhiều lần bị phát hiện sử dụng ma túy, T. được đưa vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cai nghiện... 3 lần. Tâm sự với chúng tôi, T. bày tỏ nuối tiếc: “Đừng bao giờ thử dùng ma túy, còn nếu lỡ nghiện rồi phải về nhà báo cho gia đình để tìm cách giúp mình, tự mình cai thì không thể!”.

Được đưa vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, với T. là cơ hội tốt để cai nghiện.
Được đưa vào Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, với T. là cơ hội tốt để cai nghiện.

Cùng suy nghĩ như vậy, anh S., trú quận Thanh Khê, một trong số ít người cai nghiện thành công cho rằng, nếu lỡ nghiện nên báo với gia đình, chính quyền địa phương, vì đây là cách duy nhất giúp mình cai nghiện thành công. Để tránh dính vào ma túy nên chọn cách sống và làm việc ổn định, đi đâu, làm gì cũng liên lạc với gia đình để luôn nhận được sự chăm sóc, động viên từ người thân.

Câu chuyện của S. là một ví dụ điển hình về việc này. Nghỉ học sớm, S. “vào đời” sớm hơn bạn bè cùng trang lứa bằng nhiều nghề, từ phụ bán cà-phê, thợ hàn, đến thợ sơn vôi… Chính những ngày đi làm lang thang, S. đã chơi ma túy rồi nghiện nặng phải 3-4 lần đi cai mới đoạn tuyệt hẳn. Hiện nay, S. có cuộc sống khá ổn định với nghề sơn vôi.

Theo ông Ngô Văn Sang, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thành phố, việc quản lý người nghiện sống lang thang với đặc thù công việc di chuyển nhiều nơi là thách thức không riêng với Đà Nẵng mà của tất cả địa phương trên cả nước. Tại Đà Nẵng thời gian qua, mặc dù tình hình người nghiện ma túy nói chung khá phức tạp, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, địa phương, việc quản lý có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, đối với những người nghiện không có chỗ ở ổn định, thường xuyên di chuyển vì công việc thì việc quản lý rất khó khăn. Theo quy định hiện nay, nếu người sử dụng ma túy bị bắt lần đầu, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản xử phạt với mức 750.000 đồng; vi phạm lần hai mới tiến hành lập hồ sơ đưa vào các cơ sở cai nghiện. Tuy vậy, việc trao đổi thông tin giữa các địa phương và cơ quan chức năng còn hạn chế, nên việc xác định đối tượng sử dụng ma túy lần 2 hay lần 3 khá khó khăn.

Cùng nhìn nhận như vậy, ông Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho rằng, đây là vấn đề khiến địa phương khá “đau đầu”. Người nghiện sau cai trở về cộng đồng hoặc đăng ký cai nghiện tại cộng đồng luôn được địa phương quản lý chặt chẽ từ khâu lập hồ sơ đến việc theo dõi mọi hoạt động. Với mô hình “4 trong 1” (1 người nghiện luôn có đến 4 tổ chức là công an, tổ dân phố, Mặt trận, chi bộ theo dõi, quản lý và động viên) nên khả năng cai nghiện thành công khá cao.

Ngược lại, việc theo dõi đối tượng không nằm trong danh sách quản lý của địa phương rất khó khăn. Trong đó, lỗ hổng lớn nhất là các địa phương và các cơ quan chức năng sau khi lập biên bản xử phạt người sử dụng chất gây nghiện đã không chuyển hồ sơ về địa phương nơi cư trú, vì vậy địa phương cũng không thể xác định được số lần sử dụng chất gây nghiện của đối tượng nên không thể lập hồ sơ để đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung của Nhà nước.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến cuối năm 2018, thành phố có 1.492 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó có 482 người đang cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, 329 người đang điều trị bằng methadone tại các cơ sở y tế của thành phố, 40 người cai nghiện tại gia đình-cộng đồng và 641 người đang được quản lý sau cai. Đây là cố gắng lớn của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương khi đưa người nghiện vào diện quản lý theo dõi, giúp đỡ. Mặc dù vậy, theo những người làm trong lĩnh vực này, số người sử dụng chất gây nghiện nằm ngoài “sổ sách” vẫn còn lớn, thậm chí nhiều hơn so với số người đang được quản lý (?).

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy luôn gặp khó khăn, khi con số thống kê người nghiện thường xuyên “năm sau cao hơn năm trước”. Để giải quyết hạn chế này, trước hết, các cơ quan chức năng và các địa phương phải làm tốt công tác trao đổi thông tin, nhất là chuyển hồ sơ người vi phạm lần đầu về nơi cư trú của đối tượng để chính quyền địa phương quản lý. Bên cạnh đó, cần nới lỏng các quy định cho phép cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra nhanh người sử dụng chất gây nghiện đã bị cấm.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.