Kiểm soát chặt dịch vụ cầm đồ, đòi nợ thuê

.

Chiều 8-5, đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND thành phố có buổi làm việc với Công an thành phố về việc chấp hành pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ và dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn thành phố trong 2 năm 2017-2018.

Theo báo cáo của Công an thành phố, hiện trên toàn thành phố 227 cơ sở dịch vụ cầm đồ (trong đó có 3 doanh nghiệp). Tài sản cầm cố chủ yếu là xe máy, điện thoại di động, máy vi tính. Trong những năm qua, lực lượng Công an đã tiến hành kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý 61 trường hợp vi phạm hành chính, xử phạt trên 150 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là cầm cố tài sản không lập hợp đồng hoặc không ghi vào sổ; bảo quản tài sản không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, có 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng hiện nay chỉ có 2 cơ sở đang hoạt động đòi nợ thuê và chủ yếu đòi nợ các khoản vay trong hoạt động ngân hàng, do đó không có tình trạng hoạt động theo kiểu xã hội đen, dùng vũ lực để đòi nợ.

Theo đánh giá của Công an, hoạt động cầm đồ tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an ninh trật tự, nhất là việc tiêu thụ đồ gian. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ quy mô nhỏ nên việc bảo quản tài sản cầm cố để ở nhiều nơi nên việc kiểm tra giám sát, quản lý chưa được chặt chẽ. Mặc dù chưa xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật nhưng dịch vụ đòi nợ thuê cũng tiềm ẩn phức tạp, cần phải hạn chế việc cấp phép hoạt động của dịch vụ này.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Pháp chế đề nghị Công an thành phố tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ cầm đồ, đòi nợ thuê. Ngoài việc kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật, Công an thành phố cần phải kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh này.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.