Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo tổng hợp về tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, nội dung cơ bản của dự thảo nghị định gồm 4 điều: Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ; Điều 2, bãi bỏ các quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ; Điều 3 là điều khoản chuyển tiếp và Điều 4, hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT - Bộ GTVT), đơn vị xây dựng dự thảo cho biết, trong lĩnh vực đường bộ, dự thảo nghị định giữ nguyên 17/38 điều; sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, miêu tả lại theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86; tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi.
Trong lĩnh vực đường sắt, dự thảo giữ nguyên 5/31 điều; bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 26 điều với 83 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi và 84 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung để phù hợp với Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó bổ sung 1 điều với các quy định đặc thù của đường sắt đô thị (Điều 48a) và sửa đổi, bổ sung các điểm, khoản có liên quan đến đường sắt đô thị; tăng mức xử phạt đối với 11 hành vi, nhóm hành vi trong đó có 7 hành vi thuộc nhóm hành vi, vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn cao nhất của người lái tàu, phụ tàu tương đương với mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển ô-tô (đến 40 triệu đồng).
Quan điểm của dự thảo nghị định là tuân thủ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các quy định của pháp luật liên quan. Bổ sung các hành vi vi phạm có nguy cơ mất ATGT đường bộ, đường sắt gây bức xúc trong dư luận xã hội và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm bảo đảm tính răn đe và khả thi khi thực hiện.
Đặc biệt, tại dự thảo nghị định lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị thu thập số liệu xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua để thuyết minh cho đề xuất tăng nặng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm. Cụ thể, về mức phạt vi phạm nồng độ cồn và ma túy, cần tăng nặng mức xử phạt ngay ở vi phạm ở mức 1, trong đó mức xử phạt ít nhất phải bằng 50% khung cao nhất, mức hai bằng 2/3 và mức 3 phải kịch khung để đảm bảo tính răn đe. Đối với vi phạm mức 3 cần có những hình phạt bổ sung một số hành vi nghiêm trọng có thể nghiên cứu chuyển sang xử lý hình sự.
Dự thảo Nghị định 46 mới sẽ được tọa đàm, lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận.
Ngày 28-6, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để lấy ý kiến rộng rãi trong vòng hai tháng. Bộ Công an đề xuất cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ. Cảnh sát cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn, những phương tiện và lỗi sẽ bị kiểm soát, xử lý. Còn theo quy định hiện hành có hiệu lực từ năm 2009, cảnh sát chỉ phải công khai tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. |
Theo TTXVN