Tài xế taxi bỏ mặc nạn nhân sau khi va chạm giao thông làm 1 người chết cho thấy xã hội đang đối mặt với tình trạng vô cảm trước nỗi đau người khác.
Công an quận Tân Phú, TP HCM đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn giữa taxi Vinasun do tài xế Đặng Tấn Phú (48 tuổi) điều khiển và xe máy do Nguyễn Hoàng Long (16 tuổi, ngụ Hóc Môn) cầm lái, chở chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (24 tuổi, quê Bến Tre), xảy ra trên đường Võ Công Tôn ở P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM rạng sáng 25-6 vừa qua.
Hình ảnh tài xế taxi xuống nhìn nạn nhân nằm bất động rồi bỏ đi. |
Đáng lên án là sau khi xảy ra va chạm khiến 2 nạn nhân trên xe máy văng lên vỉa hè, co giật rồi nằm bất động thì tài xế taxi chỉ xuống xe đứng nhìn khoảng chục giây, rồi nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường, để mặc 2 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch.
Hậu quả là người phụ nữ trẻ đã tử vong, người còn lại bị thương nặng. Quá trình điều tra, công an xác định cả hai người điều khiển phương tiện đều có lỗi, trong đó tài xế Phú vi phạm 2 lỗi là rẽ trái không bật tín hiệu và rời khỏi hiện trường, không giúp đỡ người bị nạn. Hành vi của tài xế taxi bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.
Anh Huỳnh Quốc Long, hành nghề tài xế tại TPHCM bức xúc: "Nếu không đủ kinh nghiệm sơ cứu thì mình phải báo với công an hay lực lượng chức năng gần nhất để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ở đây mình lại bỏ đi luôn như vậy, thì cái tâm không cho phép và xã hội cũng lên án cách ứng xử như vậy".
Hình ảnh do camera ghi lại cho thấy, ngoài tài xế taxi bỏ đi khỏi hiện trường sau tai nạn, còn có 17 người khác và một ôtô 4 chỗ di chuyển qua khu vực, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, cô gái nằm bất động trên vỉa hè nhưng không ai tiến lại gần, chỉ có một người đi xe máy dừng lại.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo. |
Trao đổi về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho rằng, tình tiết nghiêm trọng của vụ việc là cô gái đã tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp này, tài xế có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù theo điểm C khoản 2 điều 260 Bộ Luật hình sự, với tình tiết tăng nặng là không cứu giúp nạn nhân. Những người khác chứng kiến vụ việc mà không giúp đỡ người gặp nạn, nếu bị truy xét cũng sẽ chịu mức phạt theo quy định của pháp luật.
"Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, thì bất cứ một người dân nào khi thấy người khác bị rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì tất cả những người đó phải có nghĩa vụ đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời. Ngoài ra còn phải làm những động tác điện thoại nhờ hỗ trợ của các cơ quan chức năng và công an", luật sư Thảo cho hay.
Chuyên gia tâm lý – đào tạo kỹ năng mềm Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác Quốc tế. |
Chuyên gia tâm lý – đào tạo kỹ năng mềm Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác Quốc tế cho rằng, đoạn clip ghi lại vụ tai nạn giữa taxi và xe máy lan truyền trên mạng đã để lại cảm xúc tiêu cực, nhất là cách ứng xử của người có liên quan trực tiếp và những người dân đi qua hiện trường.
Tài xế taxi không dám chịu trách nhiệm, đối mặt với hậu quả vụ tai nạn có nguyên nhân sâu xa là do thiếu kỹ năng, thiếu sự can đảm và bình tĩnh khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp ra tay giúp đỡ người gặp nạn nhưng rồi bị vạ lây đã dẫn đến tâm lý sợ liên lụy, khiến họ quay đi, vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Chính vì vậy, việc trang bị cho người dân, kể cả trẻ em về kỹ năng sơ cấp cứu hay ý thức dám làm, dám chịu trách nhiệm rất cần được quan tâm giáo dục ngay từ gia đình, nhà trường. Những hành động nghĩa hiệp, giúp đời, giúp người cần được tuyên truyền nhiều hơn, để những hành động, nghĩa cử đẹp đẽ, nhân văn được lan toả rộng rãi.
Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự nói: "Có nhiều người nêu lý do sợ bị dàn cảnh nhưng trong trường hợp này, có nhiều người đã đặt lợi lợi ích của mình lên trên lợi ích của người khác, khiến chúng ta đối diện với hệ lụy kéo theo là sự thờ ơ, vô cảm biểu hiện rất rõ".
Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông. Có rất nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng cũng có người phải đối mặt với tử thần hoặc thương tật suốt đời vì không được giúp đỡ kịp thời. Tai nạn, rủi ro là điều không ai mong muốn. Sẽ ra sao nếu chính bản thân hoặc người thân của mình rơi vào tình cảnh tương tự, không ai giúp đỡ khi chẳng may gặp nạn giữa đường? Vì vậy, mỗi người hãy đặt bản thân mình vào vị trí người khác để cảm nhận, đồng cảm với nỗi đau của họ. Giúp đỡ mọi người khi khó khăn là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nó không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam mà còn là cách hành xử của những người có văn hóa, là tấm gương cho con cháu noi theo.
Theo VOV