Tăng mức phạt hành vi uống rượu, bia khi lái xe: Nhiều người đồng tình

.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý; trong đó tăng các mức phạt lên đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy, 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô vi phạm nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố tăng cường đo nồng độ cồn lái xe ô-tô.
Cảnh sát giao thông Công an thành phố tăng cường đo nồng độ cồn lái xe ô-tô.

Tăng hình phạt giúp phòng ngừa được tai nạn giao thông

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi được hỏi về dự thảo trên, hầu hết phụ nữ đều thống nhất với hình thức tăng nặng như trong dự thảo, bởi cho rằng khi tăng mức phạt sẽ hạn chế việc uống rượu, bia của các “đấng mày râu”.

“Việc tăng này sẽ hạn chế được việc uống rượu, bia sa đà của cánh đàn ông, góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra mỗi ngày”, chị Ánh Ngọc (ngụ quận Thanh Khê) nói.
Đồng quan điểm với chị Ánh Ngọc, chị Nguyễn Khánh Hiền (ngụ quận Hải Châu) cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do tự gây nên.

Hậu quả, có vụ người điều khiển phương tiện tử vong tại chỗ hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, vì vậy, việc tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối người điều khiển xe máy, ô-tô sử dụng rượu, bia là rất hợp lý.

“Chỉ uống vài chai bia nhưng xử phạt lên đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy, lên đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô, tôi nghĩ họ sẽ không dám uống rượu, bia rồi lái xe nữa. Lúc đó, người đi đường không lo bị rình rập tai nạn sau lưng...”, chị Hiền chia sẻ.

Anh Phan Văn Hiệp (ngụ phường An Khê, quận Thanh Khê) không phủ nhận việc bản thân có uống rượu, bia khi lái ô-tô phân tích: “Khi sử dụng rượu, bia mà lái xe sẽ xảy ra hai trường hợp: Một là không làm chủ được tốc độ; hai là buồn ngủ nên dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, tôi ủng hộ việc tăng nặng hình thức xử phạt đối với người điều khiển ô-tô có sử dụng rượu, bia”.

Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ ý kiến trái chiều với dự thảo tăng hình thức xử phạt này. Người điều khiển phương tiện xe máy cho rằng hình thức xử phạt quá cao; bất hợp lý khi đưa vào dự thảo mức phạt 2-3 triệu đồng đối với trường hợp người điều khiển xe máy có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/khí thở; trong khi quy định hiện hành thì mức vi phạm này không bị phạt.

“Hình phạt này quá nặng. Bởi Việt Nam chúng ta vẫn còn thói quen tiệc tùng thì mời mọc, chén chú chén anh. Đến dự tiệc thật khó để từ chối chỉ... một ly bia. Tôi thấy hơi bất hợp lý”, anh Đào, làm thợ xây dựng chia sẻ.

Cần phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Quốc Dân, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Nhận thức được vấn nạn này, thời gian qua, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông cũng như Công an các quận, huyện tăng cường thực hiện các chuyên đề để xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông; qua đó hạn chế được các vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, tình hình người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, việc tăng chế tài xử phạt cũng là một hình thức răn đe, giáo dục và ngăn ngừa các hành vi vi phạm, hạn chế các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân trực tiếp do uống rượu, bia gây ra.

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố cho rằng, mặc dù rất nỗ lực nhưng lực lượng chức năng cũng không thể đủ lực lượng để kiểm soát, xử lý hết các phương tiện trên đường, vì vậy, cần đồng bộ các biện pháp. Ngoài việc tăng chế tài, xử lý pháp luật, rất cần phối hợp tiến hành các biện pháp đồng bộ khác. Theo đó, về phía người lái xe, cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về giao thông.

“Các ngành chức năng cần thông qua các buổi họp dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tác hại và hậu quả do rượu, bia gây ra. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ngoài việc phổ biến, tuyên truyền, cần gương mẫu thực hiện. Riêng cha mẹ nên gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông, đồng thời nhắc nhở con em, người thân mình không lái xe khi đã uống rượu, bia. Có như vậy, mới hạn chế được tai nạn giao thông...”, Đại tá Truyền cho hay.

Bàn về vấn đề này, luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay việc xử lý vi phạm trong các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia trên thực tế chưa hiệu quả cũng có một phần từ việc chế tài chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc hướng đến tăng nặng chế tài xử lý là giải pháp cần thiết.

Tuy nhiên, theo luật sư Cao, cần có các giải pháp đồng bộ bổ sung để mang lại hiệu quả cao, cần xem xét theo lộ trình, tính toán hợp lý nồng độ cồn nặng nhẹ khác nhau như thế nào để có mức xử phạt tương ứng.

“Chúng ta không thể rập khuôn câu chuyện xử phạt khi các giải pháp nhằm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân chưa được đồng bộ thực hiện hiệu quả. Bởi lẽ, hiện nay, phương tiền xe gắn máy, ô-tô cá nhân vẫn là các phương tiện chính, hệ thống phương tiện công cộng chưa phát triển, nên cứ ra đường là phải dùng phương tiện cá nhân. Vì vậy, cần sớm tuyên truyền, phổ biến các quy định mới nếu được ban hành, đồng thời xúc tiến những giải pháp liên quan kèm theo”, luật sư Lê Cao chia sẻ.

Dự thảo được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến lần 2 quy định:

Đối với người điều khiển xe máy: Nếu người điều khiển xe máy có nồng độ cồn dưới 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở sẽ phạt từ 2-3 triệu đồng. Quy định hiện hành không xử phạt. Nếu nồng độ cồn đo được từ 50mg đến 80mg/100 ml máu thì mức phạt là 4-5 triệu đồng (hiện tại chỉ phạt 1-2 triệu đồng), tước bằng lái xe 16-18 tháng (hiện tại tước bằng lái xe 1-3 tháng). Tăng mức phạt tiền từ 3-4 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng nếu người đi xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu (hoặc 0,4mg/l khí thở); tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng thay vì 3-5 tháng như hiện tại.

Đối với người điều khiển ô-tô: Tăng mức phạt 2-3 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng với hành vi điều khiển ô-tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở, tăng thời gian tước bằng lái xe lên 10-12 tháng so với 1-3 tháng như hiện nay; tăng mức phạt tiền 7-8 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng với hành vi điều khiển ô-tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/l khí thở; tước bằng lái xe 16-18 tháng so với 3-5 tháng như hiện nay; phạt 30-40 triệu đồng thay vì 16-18 triệu đồng như hiện nay, đồng thời tước bằng lái 22-24 tháng thay cho 4-6 tháng với người điều khiển ô-tô có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.