Bị cáo Nguyễn Hữu Tín thừa nhận làm sai pháp luật do nhận thức sai

.

Bị cáo Tín còn kiến nghị cần sớm ban hành quy chế, quy trình hướng dẫn chi tiết, cụ thể để người thi hành công vụ không bị vướng

Sáng 30-12, phiên tòa xét xử nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt trong phiên tòa sáng nay
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt trong phiên tòa sáng nay

Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Nguyễn Hữu Tín một lần nữa nhận trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và trước cơ quan pháp luật.

Trình bày về nguyên nhân, động cơ và bối cảnh pháp lý khi ký các văn bản liên quan đến vụ việc, nhất là Công văn 927 cho công ty bình phong của Bộ Công an thuê đất, bị cáo Tín cho rằng, trong một lúc nhận thức sai dẫn đến hành vi vi phạm.

Cụ thể là đã chấp thuận vì nhận thấy đề nghị của các bộ phù hợp với pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ về công tác tình báo, cụ thể là Nghị định 936 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy không có động cơ, mục đích riêng, nhưng giờ đây, bị cáo rất thấm thía ý kiến của phía Viện Kiểm sát, đó là cho dù là hỗ trợ cho an ninh quốc phòng cũng phải đúng quy định, không thể trái với Luật Đất đai.

Bị cáo Tín cho rằng: quá trình xử lý các văn bản cho thấy có những độ chênh, thậm chí có những khoảng trống, tạo kẽ hở pháp lý cho kẻ xấu thâu tóm tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước; kiến nghị HĐXX có ý kiến với Chính phủ và các bộ ngành sớm ban hành quy chế, quy trình hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho những người thi hành công vụ khi tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành công an sẽ không bị vướng như bị cáo Tín và các đồng phạm trong vụ án.

Trình bày với HĐXX, bị cáo Đào Anh Kiệt không phủ nhận hành vi đã làm, nhưng cho rằng cáo trạng quy kết mức độ vi phạm hơi nặng, do đã bỏ qua tình tiết mấu chốt chuyển mục đích sử dụng cho nghiệp vụ an ninh sang thương mại dịch vụ và sử dụng 1 số biên bản giám định đúng nhưng không phù hợp với bản chất vụ án. Sau khi tham mưu với UBND TP qua công văn 2781, bị cáo Kiệt cho rằng mình đã nghỉ hưu, không còn liên quan đến những diễn biến tiếp theo tại khu đất số 15 Thi Sách, do không biết việc Công ty Bắc Nam 79 sau khi thuê đất không sử dụng cho mục đích nghiệp vụ an ninh.

Các bị cáo: Trương Văn Út, Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh cũng thừa nhận đã làm sai nhưng xuất phát từ việc thực hiện theo chức trách nhiệm vụ được giao và tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên Môi trường, hoàn toàn không có vụ lợi cá nhân.

Tranh luận lại với quan điểm của các luật sư và bào chữa bổ sung của các bị cáo, đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh khẳng định thiệt hại tài sản đã nêu rõ trong cáo trạng là 6,7 tỷ đồng và số tiền 802 tỷ đồng Nhà nước chưa thu hồi được. Về quan điểm cho rằng 6,7 tỷ đồng khấu trừ tiền thuê đất “từ túi nọ chuyển sang túi kia của cơ quan quản lý Nhà nước”, theo VKS là hoàn toàn sai trái, vì đây là tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bất kể công ty nào thuê đất cũng phải trả tiền cho Nhà nước.

Do đó đây là hai khoản tiền khác nhau, nếu làm đúng thì vừa phải nộp 6,7 tỷ đền bù xác nhà, còn phải nộp khoản tiền thuê đất theo duyệt giá đất của UBND TP. Riêng khoản tiền 802 tỷ đồng chắc chắn sẽ phát sinh thiệt hại, bởi thực tế là đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu hồi được, trong khi Công ty Bắc Nam đã xây tòa nhà 18 tầng, thu hàng ngàn tỷ đồng từ hơn 100 khách hàng nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được nhà và UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ phải giải quyết.

Cũng theo VKS, thực tế không hề có xung đột giữa các quy định của pháp luật. Tuy có một số vấn đề chưa được hướng dẫn chi tiết, nhưng nhà đất công sản sử dụng cho mục đích thương mại dịch vụ văn phòng khi giao cho đơn vị khác phải đấu giá theo luật định. Cho dù cái sai xuất phát từ Công văn 3702 của Bộ Công an và sự tham mưu của các sở ngành, nhưng không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở TNMT TP trong sai phạm nhà đất tại số 15 Thi Sách.

VKS cũng không đồng ý quan điểm của luật sư cho rằng nếu đấu giá công khai thì sẽ làm lộ bí mật công ty bình phong, vì có thể xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Theo VOV.VN

 
;
;
.
.
.
.
.