Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1-1-2020: Kỳ vọng thay đổi ý thức tham gia giao thông

.

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Để thực hiện luật này, ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) và có hiệu lực ngay sau đó.

Tăng nặng hình thức xử phạt hành vi uống rượu, bia là một trong những giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông hiệu quả. Trong ảnh: Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp phối hợp với Công an quận Liên Chiểu đo nồng độ cồn tài xế. Ảnh: NGỌC PHÚ
Tăng nặng hình thức xử phạt hành vi uống rượu, bia là một trong những giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông hiệu quả. Trong ảnh: Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp phối hợp với Công an quận Liên Chiểu đo nồng độ cồn tài xế. Ảnh: NGỌC PHÚ

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Để thực hiện luật này, ngày 30-12-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) và có hiệu lực ngay sau đó. Hai văn bản pháp luật tăng các hình thức xử phạt đối với các vi phạm giao thông; đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi lái xe

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 (ngày 26-5-2016) của Chính phủ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại; tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Nghị định 100 tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Điển hình như với người điều khiển ô-tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng (Nghị định 46 xử phạt từ 16-18 triệu đồng).

Đối với người điều khiển mô-tô, mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ, vi phạm nồng độ cồn bị phạt từ 400.000-600.000 đồng. Việc tăng mức phạt nhằm ngăn chặn tình trạng uống rượu, bia khi lái xe - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Chia sẻ với chúng tôi về việc Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, nhiều người dân cũng bắt đầu e ngại với thói quen sử dụng rượu, bia lâu nay của mình. “Lao động phổ thông mỗi tháng cũng kiếm chỉ 6-7 triệu đồng, lỡ uống bia mà bị Công an đo nồng độ cồn coi như xong tháng lương. Từ nay chúng tôi có muốn nhậu cũng phải về gần nhà hoặc mua bia về nhà uống thôi”, anh Phan Văn Hiệp, một công nhân là nghề cơ khí chia sẻ.

“Chiều chiều đi làm về tôi cùng bạn hay ngồi nhậu ở đường Nguyễn Tất Thành nhưng từ nay có lẽ phải bỏ thói quen này”, anh Phan Văn Doanh (chuyên làm đá granits, trú quận Thanh Khê) nói. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Đông, kỹ sư cơ khí làm cho một công ty nhôm kính trên đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Tôi thấy phạt nặng như vậy là hợp lý, nhằm giảm tình trạng uống rượu, bia rồi tham gia giao thông. Nhiều đêm đi làm về, nhiều thanh niên say xỉn, lạng lách trên đường rất nguy hiểm cho mọi người”…

Quyết liệt để luật đi vào cuộc sống

Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, trước đây, việc xử lý vi phạm trong các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia trên thực tế chưa hiệu quả cũng có một phần từ việc chế tài chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc hướng đến tăng nặng chế tài xử lý như Nghị định 100 là một giải pháp cần thiết.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Lê Cao, thói quen khi giao tiếp, vui chơi, giải trí ít nhiều người dân dùng bia, rượu đã lâu, rất khó bỏ trong một sớm, một chiều nên khả năng vi phạm của người dân vẫn sẽ còn cao. “Do vậy, quy định của pháp luật muốn áp dụng hiệu quả cần có sự tương thích với hạ tầng giao thông, các điều kiện kinh tế, xã hội khác, như có phương tiện công cộng đi lại…”, luật sư Lê Cao nêu ý kiến.

Tăng nặng hình thức xử phạt hành vi uống rượu, bia là một trong những giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông hiệu quả. Trong ảnh: Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp phối hợp với Công an quận Liên Chiểu đo nồng độ cồn tài xế.
Tăng nặng hình thức xử phạt hành vi uống rượu, bia là một trong những giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông hiệu quả. Trong ảnh: Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Hiệp phối hợp với Công an quận Liên Chiểu đo nồng độ cồn tài xế.

Trong khi đó, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố cho biết, kể từ khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua, lực lượng CSGT cũng đã có nhiều hình thức tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện, nhất là những thời điểm dừng phương tiện kiểm tra.

Công an thành phố cũng như Phòng CSGT đã tổ chức các lớp tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó chú trọng đến khâu tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện tốt việc lái xe an toàn với khẩu hiệu: “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Tuy nhiên, theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, do Nghị định 100 được Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 nên việc thực hiện Nghị định còn gặp một số khó khăn; đặc biệt là công tác hướng dẫn thực hiện, việc triển khai các biểu mẫu để xử phạt. Vì vậy, Phòng CSGT đã tập trung nghiên cứu, in sao các biểu mẫu để triển khai thực hiện công tác xử phạt trong một đến hai ngày tới.

“Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện Nghị định 100 một cách quyết liệt để Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cũng như nghị định đi vào cuộc sống, chứ không thể để người vi phạm nhờn luật”, Đại tá Phan Ngọc Truyền khẳng định.

Cũng theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia cũng như Nghị định 100 của Chính phủ có tính răn đe cao. “Các nước trong khu vực xử phạt hành vi uống rượu, bia rất nặng, có thể bỏ tù. Vì vậy, việc tăng nặng các hình phạt vi phạm giao thông, đặc biệt là vấn đề uống rượu, bia khi lái xe chắc chắn sẽ có tác động cảnh tỉnh người tham gia giao thông”, Đại tá Phan Ngọc Truyền nói.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.