Xét xử hai nguyên lãnh đạo Đà Nẵng: Hai bị cáo xin thay đổi tội danh

.

Theo bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nếu xác định bị cáo phạm tội thì cũng chỉ là tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc) và các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc) và các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 5-1, tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai," các luật sư bào chữa tham gia thẩm vấn các bị cáo và giám định viên.

Trình bày lời khai tại tòa, hai bị cáo Lê Anh Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty cung ứng tàu biển Đà Nẵng) và Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng) xin được thay đổi tội danh theo hướng giảm nhẹ hơn cho hai bị cáo.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc cho biết Công ty cổ phần công nghệ phẩm Đà Nẵng được cổ phần hóa từ năm 2005. Hiện nay, Công ty là Công ty cổ phần không có vốn nhà nước.

Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, Công ty đã mua các tài sản trên đất tại mảnh đất số 37 Pasteur.

Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc cho rằng các tài sản trên đất không phải là tài sản công sản nữa mà là tài sản của công ty. Vì vậy, việc bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219-Bộ luật Hình sự năm 2015 là quá nặng.

Theo bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nếu xác định bị cáo phạm tội thì cũng chỉ là tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tương tự, bị cáo Lê Anh Tuấn cũng xin được đổi tội danh từ Điều 219 sang Điều 229-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lý do bị cáo Tuấn đưa ra là sau khi mua nhà đất số 20 Bạch Đằng, nhà công sản trên mảnh đất đó đã bị xuống cấp, không sử dụng được nên công ty của bị cáo đã đập nhà cũ đi, xây nhà mới trên đất đó và đã chuyển nhượng.

[Bị cáo Anh Vũ không thừa nhận thân thiết với lãnh đạo TP Đà Nẵng]

Theo bị cáo Tuấn, nhà mới xây này là của công ty bị cáo, không còn là nhà công sản nữa nên hành vi của bị cáo chỉ là “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai."

Về hành vi của bị cáo Huỳnh Tấn Lộc và Lê Anh Tuấn, cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định lợi dụng việc được bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định các nhà, đất công sản do các công ty này thuê làm trụ sở làm việc, Lộc và Tuấn đã bàn bạc, thỏa thuận với Phan Văn Anh Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất.

Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, Lộc và Tuấn đã ký văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất để giúp cho Phan Văn Anh Vũ đứng tên sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại 2 nhà, đất công sản không qua đấu giá, có giá trị cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Quang cảnh phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cụ thể, Huỳnh Tấn Lộc đã giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 112 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Anh Tuấn giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 20 Bạch Đằng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, khởi tố, điều tra là hơn 264 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đã nêu nhiều câu hỏi với giám định viên các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng định giá Trung ương.

Đặt câu hỏi với đại diện Hội đồng định giá Trung ương, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ hỏi về căn cứ nào để xác định giá nhà đất do Hội đồng định giá Trung ương đưa ra là giá thị trường đất.

Về nội dung này, đại điện Hội đồng định giá Trung ương nêu rõ quá trình định giá, Hội đồng phải thực hiện định giá theo những nguyên tắc và những phương pháp định giá theo quy định hiện hành. Cụ thể, liên quan đến nhà đất thì áp dụng theo phương pháp định giá đất theo hướng dẫn tại Thông tư 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư số 145/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính tùy theo thời điểm định giá. Việc áp dụng theo các phương pháp này sẽ xác định được giá thị trường đất.

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: Quá trình giám định, cơ quan điều tra đề nghị xem xét lại một số kết luận giám định, theo ông việc này là như thế nào?

Đại diện Hội đồng định giá Trung ương đã khẳng định: “Hội đồng chỉ thực hiện chức năng định giá, không tiến hành giám định, nên về nội dung này, đề nghị luật sư hỏi cơ quan giám định."

Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Chiều 5-1, phiên tòa tạm nghỉ.

Sáng 7-1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo TTXVN 

;
;
.
.
.
.
.