Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

.

Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (ngày 14-6-2019) chính thức thông qua luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ.

Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ. Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.

Chỉ 3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức

Theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1-6-2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực từ ngày 20-7-2020, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp: Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...; thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27-5-2020 có hiệu lực từ ngày 15-7-2020, quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).

Theo đó, hằng tháng, người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Đáng chú ý, người sử dụng lao động được đề xuất đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nếu đáp ứng được các điều kiện sau: Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN; trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH; thực hiện báo cáo định kỳ TNLĐ và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất; tần suất TNLĐ của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra TNLĐ tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.

Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15-7. Nghị định này đã bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là: Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã; văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

B.T theo luatvietnam.vn

;
;
.
.
.
.
.