Ngôi nhà hoàn lương cho những người lầm lỡ

.

Khi bước vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), mỗi người có một hoàn cảnh, một con đường dẫn đến ma túy. Tuy nhiên, khi đã vào đây rồi, họ đều sẽ được giúp đỡ, cưu mang, được từng bước cắt cơn và nuôi dưỡng khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được học nghề thợ hồ trong quá trình cai nghiện. Ảnh: THANH VÂN
Học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được học nghề thợ hồ trong quá trình cai nghiện. Ảnh: THANH VÂN

5 năm trước, một ngày tháng 12 ẩm thấp, N.N.Q, trú phường Bình Hiên (quận Hải Châu) được đưa lên Cơ sở xã hội Bầu Bàng để bắt đầu 18 tháng cai nghiện tập trung. “Khi cánh cửa sắt nặng nề đóng lại, trong đầu tôi chỉ duy nhất một suy nghĩ: đời mình như vậy là hết. Nhưng rồi mọi thứ lại qua mau, tôi nhanh chóng bắt nhịp được cuộc sống nơi đây, quen với việc ăn ngủ đúng giờ, quen với việc chiều chiều ra sân đá bóng và dần quên cái cảm giác thèm “thuốc”, N.N.Q nhớ lại.

Tròn 5 năm quay lại nơi đây với tư cách là thành viên Ban chủ nhiệm CLB Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy phường Bình Hiên, đồng thời đã có việc làm ổn định là quản lý một nhà hàng ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), N. N. Q tâm sự: “Với tôi cũng như nhiều bạn đã từng bước vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng,  đó thực sự là cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, thoát ra khỏi cơn đê mê ma túy, trở lại làm người lương thiện”.

Chị Trần Thị Kim Út, Phó Chủ nhiệm CLB Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) - người có rất nhiều năm gắn bó với những “thân phận” ra vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho rằng, không thể khẳng định cứ vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng là sẽ từ bỏ vĩnh viễn ma túy, tuy nhiên có nhiều bạn trẻ nhờ vào đây cai nghiện mà thoát được “cái chết trắng”, được học nghề và sau khi hoàn tất chương trình cai nghiện đã lập nghiệp với chính nghề đã học.

Năm 2016, sau khi được tổ chức lại theo Quyết định số 9147/QĐ-UBND ngày 30-12-2016 của UBND thành phố, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã hoạt động theo hướng đa chức năng, nhờ vậy nơi đây thực sự phát huy việc giúp học viên cai nghiện. Ngoài quy mô tiếp nhận từ 500 tăng lên 1.000 học viên mỗi năm, tại đây còn thay đổi phương pháp cai nghiện với nhiều liệu pháp tổng hợp. Các học viên sau khi đưa vào đây được  phân loại, lập hồ sơ về mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, thói quen hàng ngày, các sang chấn tâm lý, cũng như các tiền án, tiền sự (nếu có) trước đây để từ đó lập ra phương pháp cai nghiện phù hợp cho từng học viên.

Đặc biệt, cơ sở đã mạnh dạn áp dụng phương pháp châm cứu kết hợp uống thuốc nam và tiến hành xông hơi giải độc để giúp những học viên sớm thoát khỏi ảo giác và những cơn kích động do ảnh hưởng của ma túy. Song song đó, cơ sở rất quan tâm đến các biện pháp tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý... nhằm giúp các học viên yên tâm và toàn tâm toàn ý cho quá trình cai nghiện sớm hiệu quả. Đối với những học viên đã qua giai đoạn cắt cơn, không còn cảm giác thèm “thuốc” sẽ được học các nghề về điện dân dụng, thợ hồ, làm giày...

Bên cạnh đó, việc mỗi sáng phải tham gia tập thể dục và mỗi chiều chơi các môn thể thao như bơi lội, đá bóng, bóng bàn... đã giúp cho các học viên luôn bận rộn và có lối sống tích cực hơn. Nhờ vậy mà từ năm 2015-2020, Cơ sở đã tiếp nhận 3.993 lượt học viên (575 người cai nghiện tự nguyện) và đã có 2.953 người hoàn thành cai nghiện được trở về cộng đồng, có 1.468 người tái nghiện.

Theo ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, tỷ lệ tái nghiện 36,7% là con số rất ấn tượng (thấp) so với các địa phương khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Cơ sở xã hội Bầu Bàng còn đạt  những kết quả rất đáng ghi nhận như: 5 năm qua đã có 32 lớp học nghề được tổ chức cho 765 học viên tham dự; 10 lớp văn hóa, xóa mù cho 76 học viên, mở 211 lớp chuyên đề về giáo dục sức khỏe, pháp luật, kỹ năng phòng chống tái nghiện; thư viện của cơ sở đã có gần 81.000 lượt học viên đến đọc sách, báo...

Ngoài ra, Cơ sở còn tư vấn cho 2.134 lượt thân nhân gia đình học viên, qua đó giúp họ có kiến thức, kỹ năng cũng như sẵn sàng tâm lý để có phương pháp tốt nhất trong quản lý, giáo dục người thân một khi lỡ sa vào con đường nghiện ngập. Có thể khẳng định, với rất nhiều học viên và cả gia đình, người thân của họ, Cơ sở xã hội Bầu Bàng chính là ngôi nhà thứ hai - nơi đã giúp họ thoát khỏi “cái chết trắng” để trở về với cuộc sống bình thường.

THANH VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích