Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

.

Sau hơn 2 năm triển khai tại Đà Nẵng, dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh - thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng” đã đem lại nhiều kết quả tích cực không chỉ đối với các trẻ em, thanh- thiếu niên mà còn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng của các phụ huynh và giáo viên trên địa bàn thành phố.

Nhóm trẻ nòng cốt tham gia tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trên môi trường mạng. (Ảnh chụp năm 2019) Ảnh: PHONG LAN
Nhóm trẻ nòng cốt tham gia tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trên môi trường mạng. (Ảnh chụp năm 2019) Ảnh: PHONG LAN

Dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh - thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng” (gọi tắt là TOCSE) do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, với sự tài trợ của “Quỹ Chấm dứt bạo lực trẻ em”.

Dự án được triển khai trên địa bàn quận Sơn Trà, Cẩm Lệ và Hải Châu từ tháng 3-2018. Chị Nguyễn Lê Hồng Phúc, điều phối viên phụ trách dự án Tổ chức Tầm nhìn Thế giới cho biết, theo kết quả khảo sát tại Đà Nẵng vào tháng 9-2018, chỉ có khoảng 10,4% trẻ em được hỏi có kiến thức về xâm hại tình dục qua mạng. Đáng chú ý, có đến 22% số trẻ đã trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến, chủ yếu khi kết nối với bạn bè lạ, bị nhắn tin quấy rối và gặp mặt người lạ. Trong khi đó, chỉ có 8,6% phụ huynh và 32,5% giáo viên có kiến thức cơ bản về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng về an toàn mạng cho trẻ em, TOCSE đã triển khai nhiều hướng tiếp cận. Nổi bật là việc xây dựng các nhóm trẻ nòng cốt tại các trường THCS, THPT và tại địa phương, xem đây là nhân tố chính trong các hoạt động truyền thông và tập huấn. Theo chị Phúc, các nhóm trẻ nòng cốt được huấn luyện về nội dung xâm hại tình dục qua mạng, kỹ năng truyền thông và hướng dẫn cách sử dụng bộ tài liệu (cẩm nang sinh hoạt câu lạc bộ, tranh lật, tờ rơi…). “Các em thường có những ý tưởng rất sáng tạo như vẽ tranh, đóng kịch (Trường THCS Tây Sơn); làm lịch năm mới (phường Hòa Cường Nam); vẽ tranh tường truyền thông (Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật)…”, chị Phúc nói. Huỳnh Minh Quang (SN 2001, trú quận Sơn Trà) là một thành viên trong nhóm trẻ nòng cốt của dự án TOCSE. Quang chia sẻ, sau các buổi tập huấn, em luôn mong muốn có thể giúp đỡ các bạn trẻ khỏi nguy cơ bị lạm dụng và xâm hại trên môi trường mạng. Với những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo, em dành nhiều thời gian để truyền thông cho bạn bè, người quen về việc bảo vệ trẻ em trong thế giới kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, TOCSE còn tập trung tăng cường khả năng của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi lạm dụng tình dục qua mạng, trong đó có việc xây dựng mô hình “Tiệm Internet (cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet công cộng và trò chơi điện tử - PV) với cam kết bảo vệ trẻ em”. Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà cho biết, dự án TOCSE và UBND quận đã phối hợp để tổ chức các chương trình tập huấn cho các chủ tiệm Internet về lợi ích và rủi ro của Internet đối với trẻ em, nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em qua môi trường mạng...

Từ đó, vận động các tiệm Internet tham gia cam kết bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thực hiện các biện pháp như treo poster truyền thông, cài đặt thông điệp trên màn hình chờ, báo cáo sự cố… Bà Phương nói: “Chúng tôi cũng đã lường trước được rằng việc này cần rất nhiều thời gian và nỗ lực thì mới có thể tạo được sự thay đổi đối với đơn vị kinh doanh, vì doanh thu và lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp”.

Tuy vậy, với sự nỗ lực của TOCSE và chính quyền quận Sơn Trà, mỗi năm có khoảng 50 tiệm Internet ký cam kết tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chủ một tiệm Internet trên tuyến đường Lê Tấn Trung (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, đối với các khách hàng nhỏ tuổi, anh thường để ý các hành vi của khách kỹ hơn. Anh cũng chủ động để màn hình chờ máy tính là thông điệp về cách phòng, chống xâm hại tình dục qua mạng để trong trường hợp các em nhỏ ngại chia sẻ tình huống nguy hiểm với người lớn thì vẫn có thể tự có hướng giải quyết.

ThS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng) cho biết, một trong những khó khăn trong việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em qua mạng là sự thiếu kết nối, chia sẻ giữa trẻ em với cha mẹ. Dự án TOCSE đã xây dựng mô hình Hội quán “Hạnh phúc” vào tối thứ Bảy hằng tuần, tạo không gian trò chuyện giữa cha mẹ và con cái nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm tiếng nói chung, hạn chế tối đa các mâu thuẫn thường ngày. Chủ đề của các buổi sinh hoạt thường là về an toàn cho trẻ trên môi trường mạng, đồng hành cùng con trên mạng, kỷ luật tích cực… Tại đây, các em nhỏ cũng được tập huấn về quyền trẻ em, giá trị sống, kỹ năng sống, cách sử dụng mạng xã hội an toàn.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích