Nỗi lo trẻ nghiện game

.

Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng quỹ thời gian để vào các trang mạng, tham gia các trò chơi trực tuyến (game online) ngày càng nhiều là một thực tế không thể phủ nhận. Đặc biệt những ngày qua, khi Covid-19 tái bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thời gian thanh, thiếu niên “ôm” các thiết bị điện tử càng tăng lên.

Trước khi nghiện ma túy phải đi cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, T.V.T ở Liên Chiểu từng sống theo kiểu “ngày ngủ, đêm cày game”. Ảnh: T.V
Trước khi nghiện ma túy phải đi cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, T.V.T ở Liên Chiểu từng sống theo kiểu “ngày ngủ, đêm cày game”. Ảnh: T.V

Dòng trạng thái trên facebook: “Lo virus SARS-CoV-2 đã mệt, bây giờ còn lo thêm việc nghỉ học dài ngày sẽ khiến hai con dành quá nhiều thời gian để tham gia chơi game” của chị P.T.A.H (giáo viên một trường tiểu học ở quận Cẩm Lệ) không ngờ nhận nhiều đồng cảm của đồng nghiệp và phụ huynh. Theo đó, hầu hết phụ huynh đều bày tỏ lo lắng, bởi trước đây các con đi học liên tục, cuối tuần, gia đình sinh hoạt ngoài trời, hoặc cho con tham gia các lớp phát triển năng khiếu. Nay thì ngược lại, suốt ngày, các con chỉ quanh quẩn trong nhà cũng là một trong những lý do khách quan khiến phụ huynh lo lắng con trẻ ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử.

Từ chỗ giải trí, rồi nghiện game, không ít thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật vì trộm cắp để có tiền chơi game thực sự là nỗi lo của nhiều gia đình hiện nay. Đầu năm 2020, Công an phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) đã mật phục và bắt giữ 5 thanh, thiếu niên gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản trên ô-tô. Thủ đoạn của nhóm là thường xuyên dạo quanh các khu dân cư, thấy có ô-tô đậu bên ngoài quên khóa cửa và không có người trông coi thì tiếp cận, lấy hết tài sản để trong xe; tổng giá trị tài sản nhóm này đã thực hiện trộm cắp là hơn 100 triệu đồng.

Qua điều tra, nhóm thiếu niên này quen biết nhau qua mạng xã hội, thường xuyên tụ tập ở những điểm chơi game trên địa bàn, từ đó rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Toàn bộ số tiền trộm cắp được các đối tượng “nướng” vào game và sử dụng tiêu xài cá nhân. Cũng do nghiện game, ảnh hưởng nặng các trò chơi bạo lực từ game, tháng 4-2019, từ mâu thuẫn cá nhân, L.V.A.B và L.C.Đ (đều dưới 18 tuổi, trú quận Thanh Khê) đã dùng dao và gậy sắt gây thương tích nặng cho người khác. Qua khai thác của công an, 2 thiếu niên này đều nghiện game, sống theo kiểu “ngày ngủ, đêm cày game”.

Trên đây là một số trong nhiều trường hợp minh chứng về hệ quả giữa nghiện game và vi phạm pháp luật, không chỉ tại Đà Nẵng, mà là tình hình chung của cả nước hiện nay. Khảo sát của Dự án Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thực hiện trong giai đoạn 2018-2021 cho thấy thực tế: Intenet không chỉ là môi trường dễ dẫn dắt thanh thiếu niên vào con đường trộm cắp, đánh nhau mà còn bị xâm hại tình dục.

Theo đó, chỉ 9,9% trẻ em có kiến thức về xâm hại tình dục qua môi trường mạng, 8,6% phụ huynh và 32,5% giáo viên có kiến thức cơ bản về phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, còn có 124 trẻ em từng bị xâm hại, bị quấy rối tình dục qua mạng trực tuyến... Cô Trần Thị Thu Hương, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) đóng tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, cho rằng việc thanh, thiếu niên lạm dụng mạng xã hội, chơi game quá nhiều dẫn đến hậu quả nặng nề hơn rất nhiều những gì phụ huynh suy nghĩ. Các em đang giáo dục ở Trường Giáo dưỡng số 3 trước khi có “thành tích” bất hảo như trộm cắp, đánh lộn, sử dụng chất kích thích... đều có điểm xuất phát chung là nghiện game, dành quá nhiều thời gian lang thang trên môi trường mạng mà thiếu sự kiểm soát, hướng dẫn của người lớn.

Theo thống kê của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (khu vực miền Trung - Tây Nguyên), chỉ trong năm 2019 đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi của người dân nhờ tư vấn các vấn đề liên quan đến trẻ em. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, đã có gần 400 cuộc gọi của người dân thành phố đến Tổng đài 111. Điều đáng quan tâm là có trên 50% số cuộc gọi này đến Tổng đài bày tỏ sự lo lắng, cũng như cách thức “cai” nghiện game, mạng xã hội của con, em trong gia đình.

Cô Trần Thị Thu Hương cho rằng, hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh hãy làm tấm gương và giúp con cái trong gia đình có cách sống, sinh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thay vì mỗi người một thiết bị điện tử rồi lạc vào thế giới ảo của riêng mình thì hãy cùng nhau đăng nhập vào các trang hướng dẫn tập thể dục trong nhà, các trò chơi gia đình, xem những hướng dẫn cách nấu ăn, học ngoại ngữ... Đây là cách để vừa cập nhật thêm thông tin, nâng cao sức khỏe, vừa kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.