Yêu thương để cảm hóa

.

Phương châm yêu thương để cảm hóa đã tạo nên những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thành phố, thời gian qua.

Một buổi chiều đi làm về, chị L.T.H ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) như không tin vào mắt mình khi thấy đứa con gái mái tóc nhuộm vàng, tay đeo chiếc nhẫn bạc hình đầu lâu, trang phục màu mè, sặc sỡ. Kiềm cơn nóng giận, gặng hỏi thì con gái trả lời cộc lốc: “Con muốn thay đổi”. Sau thời gian nhìn lại mọi thứ, chị H. nghĩ rằng, bản thân cần bắt đầu hành trình học lại từ đầu cách dạy con.

Chị H. ra phường trao đổi, trò chuyện cùng cán bộ phụ trách trẻ em; điện thoại đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố nhờ tư vấn, thậm chí có thời điểm chị còn nhờ công an khu vực thỉnh thoảng đến nhắc nhở cô con gái bướng bỉnh. “Qua sự tư vấn của các cán bộ chuyên trách, tôi nhận ra rằng thời gian qua đã không hoàn toàn đúng, đã đẩy con ra xa. Từ đó, tôi học cách tự thay đổi mình, làm bạn với con, lắng nghe, trò chuyện để hiểu con hơn, từ đó, con tôi cũng có những thay đổi tích cực”, chị L.T.H nhớ lại.

Theo ông Hoàng Trọng Nghĩa, chuyên viên Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Đà Nẵng, câu chuyện của chị H. kể trên khá phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn hiện nay. Ba mẹ vì nhiều lý do nên thiếu sự quan tâm, chia sẻ với con, vô tình “đẩy” con ra khỏi vòng tay mình. Muốn “giữ” con lại không có cách gì khác là quan tâm đến con nhiều hơn, trò chuyện với con như những người bạn để hiểu, động viên và giúp con. Bởi, chỉ có tình thương yêu mới cảm hóa được trẻ em tốt nhất.

Thành phố hiện có hơn 237.000 trẻ em (chiếm 20.9% dân số), trong đó có gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là nhóm trẻ em có nguy cơ dễ trở thành trẻ em hư, vi phạm pháp luật vì thiếu sự chăm sóc của gia đình. Bên cạnh đó, nhóm trẻ trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc trẻ em sống trong các gia đình có kinh tế ổn định nhưng ba mẹ ly hôn cũng là nhóm có nguy cơ dễ bị lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Trần Công Nguyên, nhận thức được điều này nên trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, lực lượng chức năng thành phố rất chú trọng đến việc cảm hóa, giáo dục các em hơn là sử dụng các biện pháp cứng rắn.

Điểm nhấn là thời gian qua thành phố đã củng cố, kiện toàn nhân sự chuyên trách về trẻ em từ cấp tổ dân phố, thôn xóm đến cấp quận, huyện. Đội ngũ này được trang bị những kỹ năng cần thiết như lắng nghe, làm bạn, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, đội ngũ 1.809 người phụ trách công tác trẻ em này đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em chưa ngoan để cùng gia đình, các cơ quan chức năng kịp thời uốn nắn, giáo dục. Bên cạnh đó, các mô hình như câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình tư vấn ở cộng đồng và trường học đã tạo nên nhiều kênh thông tin giúp cả các em và bậc phụ huynh chăm sóc con mình tốt hơn.

Trong 4 năm qua, thành phố thực hiện thí điểm khá thành công công tác cảm hóa, giáo dục đối với thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả đã giúp 436/663 em tiến bộ; hỗ trợ 259 em tìm được việc làm. Liên tiếp trong 5 năm qua, thành phố đã duy trì tỷ lệ 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, 100% xã phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Nhờ những kết quả này, liên tục nhiều năm nay, Đà Nẵng đều được Bộ LĐ-TB&XH xếp trong nhóm 10 địa phương làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Riêng năm 2017, Đà Nẵng xếp vị trí 4/63 tỉnh, thành phố về công tác thực hiện quyền trẻ em.

Theo các chuyên viên Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Đà Nẵng, thay vì áp dụng hình thức quản lý nghiêm ngặt, la mắng đánh đập khi trẻ em hư, các bậc phụ huynh hãy lắng nghe, quan tâm chia sẻ với các em nhiều hơn. Chỉ có thể cảm hóa các em bằng tình thương yêu, biến ngôi nhà các em ở thành tổ ấm thực sự thì đó mới là thành trì vững bền nhất bảo vệ trẻ em trước cái xấu.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.