Sau cơn cuồng giận...

.

Nhìn vẻ ngoài hiền lành, không ai nghĩ D.V.T lại có thể ra tay giết người lạnh lùng đến vậy. Bất nhẫn hơn, T. ra tay với chính cha vợ của mình khiến gia đình tan nát, bản thân phải vào chốn lao lung...

Phiên tòa xét xử D.V.T (SN 1995, trú tại thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) trong không khí tang thương. Những người nhà của bị cáo và bị hại đến dự phiên tòa vốn quen thân với nhau, giờ đây chỉ biết nhìn nhau bằng đôi mắt ngập nước, mọi lời nói nghẹn ứ, bởi người bị cáo ra tay sát hại lại là cha vợ mình...

T. là con út trong gia đình có 5 người con và cũng được đánh giá là một chàng trai thiện tính, chăm chỉ, cần cù. Đến độ tuổi trưởng thành, T. gặp rồi yêu chị N.T.L. (SN 1998, trú huyện Hòa Vang). Sau thời gian tìm hiểu, T. và L. kết hôn. T. yêu thương vợ và có hiếu với cha mẹ, ông bà vợ. Sau 3 năm xây dựng hạnh phúc, vợ chồng trẻ có thêm mụn con, không giàu có nhưng đầm ấm, ai nhìn vào cũng ao ước…

Vì cuộc sống mưu sinh, T. phải đi làm xa nhưng trong đầu lại luôn lo lắng vợ ở nhà không thủy chung. T. rất thương vợ, vì chữ thương đó mà sợ mất vợ rồi ngày càng trở nên ích kỷ, ghen tuông. Không ít lần T. thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Không chịu đựng được người chồng bỗng nhiên thay tính đổi nết, chị L. bỏ về nhà cha ruột là ông N.V.C (SN 1968, trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang).

Để cứu vãn cuộc hôn nhân gần đi đến bước đường cùng, T. nhiều lần gọi điện, nhắn tin khuyên vợ quay về nhưng bất thành. T. quay qua gọi điện cho cha vợ nhờ ông khuyên L. quay về nhưng bị ông C. la mắng.

Không tìm được đồng minh, nhìn con thơ khát mẹ, khóc ngày khóc đêm, T. lấy hai con dao với mục đích hù dọa để vợ về nhà với mình và con. Thế nhưng khi gặp cha vợ, cơn giận của T. bùng lên dữ dội, và rồi, tất cả kết thúc đau đớn bằng những nhát dao trong tay T...

Sai lầm vẫn là sai lầm, áy náy hay hối hận cũng không thể thay đổi được việc bản thân đã gây ra. Khi nghe Hội đồng xét xử chất vấn: “Con rể cũng là con, cha mẹ vợ cũng như cha mẹ ruột. Đáng lẽ bị cáo phải luôn kính trọng, hiếu thảo với gia đình vợ. Điều này không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là chuẩn mực đạo đức. Bị cáo thấy có đáng bị lên án, có đáng bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật không?”. T. chỉ biết gật đầu, nước mắt lăn dài chứ không thể thốt nên lời.

Suốt cả phiên tòa, T. chỉ cúi mặt, không dám nhìn ba mẹ và con, càng không dám đối mặt với gia đình vợ. Được nói lời nói sau cùng, T. cúi đầu xin lỗi mẹ vợ: “Con xin lỗi vì đã hại cha. Thực sự lúc đó con không kiềm chế được cơn nóng giận. Con ngàn lần xin mẹ thứ lỗi”.

Sự ra đi đột ngột của người đàn ông trụ cột gia đình là nỗi đau quá lớn đối với gia định bị hại. Nghe người từng là con cái trong gia đình nói lời xin lỗi, họ bật khóc cho ông C., cho T., cho hoàn cảnh éo le mà cả gia đình đang đối mặt.

Nhận được sự bao dung của mẹ vợ nhưng về phần vợ, không rõ nỗi đau quá lớn hay tình nghĩa vợ chồng đã cạn mà từ ngày T. bị bắt đến lúc ra tòa, chị L. không hề vào thăm chồng cũng không một lần về thăm con nhỏ. Đứa trẻ lên 3 bỗng thiếu đi tình thương, sự chăm bẵm của mẹ nay lại vắng luôn sự quan tâm của người cha. Những cố gắng cuối cùng của T. mong vợ chồng, con cái hòa hợp không những không thành mà còn trở nên đau thương, biệt ly.

Mức án chung thân là phù hợp để T. trả giá cho hành vi tàn nhẫn của mình. Nhưng điều khiến những người tham dự phiên tòa mãi day dứt là vết thương lòng, là khoảng cách vời vợi mà T. gây ra cho gia đình hai bên, là con thơ phải sống cảnh côi cút… Phiên tòa khép lại, người ta không khỏi xót xa khi thấy cảnh mẹ già nắm tay đứa cháu thơ dại, chạy với theo xe dẫn phạm. Con dại cái mang, cả đời nuôi con, nay cuối đời bà lại phải cùng con gánh vác sai lầm, trách nhiệm nuôi dưỡng cháu.

MỘC LAN

;
;
.
.
.
.
.