Trả giá

.

Từng tham gia các phiên tòa xét xử với tư cách là người bảo vệ và kiểm soát bị cáo, đáng lẽ N.T.H (1993, trú quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) phải rút ra cho bản thân những bài học sâu sắc về hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, H. lại sớm lãng quên những điều được chứng kiến tại các phiên tòa trước đó, để rồi vướng vào vòng lao lý, nhận cái kết đắng cho bản thân cũng như gây buồn khổ cho gia đình, người thân.

Cuối tháng 5-2021, N.T.H đến trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) thành phố tham dự phiên tòa xét xử phúc thẩm về tội “Trộm cắp tài sản”. Không như những lần trước, đến phiên tòa với vai trò là người bảo vệ và kiểm soát bị cáo, lần này, H. lại chính là bị cáo trong phiên xét xử. Do xấu hổ với hành vi mà H. gây ra, vợ con, cha mẹ và người thân không đến dự phiên tòa.

Sinh ra trong gia đình có điều kiện, được giáo dục đàng hoàng và từng có thời gian phục vụ trong môi trường thực thi pháp luật, hơn ai hết H. phải hiểu nguyên tắc sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, hiểu giá trị của tự do. Vậy nhưng, chỉ vì lòng tham, H. đánh đổi tất cả danh dự, nhân phẩm của bản thân và lòng tự trọng của gia đình. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, N.T.H thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân.

Trong thời gian tại ngũ, H. thường xuyên được phân công tham gia bảo vệ các phiên tòa hình sự. Tại đây, H. nghe cáo trạng của nhiều vụ án mà trong đó, hành động phạm tội của các bị cáo vô cùng đáng trách, vì lợi ích bản thân đã gây ra đau thương, mất mát quá lớn cho người khác.

Bên cạnh đó, H. cũng chứng kiến không ít cảnh đau lòng, có những bị cáo chỉ vì một phút nóng giận, nhất thời không kiềm chế được bản thân, gây ra tội lỗi để rồi khi hối hận đã quá muộn màng. Có phiên tòa, H. chứng kiến cảnh người chồng rời phiên xét xử lên xe đặc chủng vào trại giam thi hành án, người vợ trẻ ôm con thơ cùng mẹ già khóc ngất. Đó đáng ra là những bài học sâu sắc mà H. phải mang theo trên hành trình tương lai. Nhưng không, H. trộm cắp tài sản của người cưu mang, giúp đỡ mình.

Hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân, H. trở về địa phương và lập gia đình. Thông qua sự giới thiệu của người bạn, H. xin làm việc tại cửa hàng của chị N.T.P.N (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Sáng 25-11-2020, như thường lệ, H. đến cửa hàng làm việc. Khi bước vào trong, thấy chị N. để túi xách trên bàn ăn, bị cáo nảy sinh lòng tham, lục lấy 40 triệu đồng mang lên kho hàng tầng 2 cất giấu. Tiếp đến, bị cáo quay xuống tầng 1 nhận hàng đi giao cho khách. Cùng ngày, bị cáo bị Công an quận Liên Chiểu phát hiện, bắt giữ.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hỏi vì sao biết luật, từng tham gia phiên tòa xét xử các loại tội phạm và đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân mà vẫn cố tình vi phạm pháp luật. H. cúi đầu trả lời: “Do bộc phát nhất thời, không làm chủ được bản thân nên bị cáo quên đi những điều được nghe, được thấy và được chứng kiến tại các phiên tòa trước đó. Bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình nên rất hối hận và xấu hổ. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để có cơ hội làm lại cuộc đời và gần gũi chăm lo cho con nhỏ”.

HĐXX phúc thẩm nhận thấy, HĐXX sơ thẩm trước đó của TAND quận Liên Chiểu đã căn cứ vào các quy định của pháp luật, tuyên phạt bị cáo H. 18 tháng tù giam là đúng người đúng tội, tương xứng với mức độ hành vi gây ra. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo H. đưa thêm được nhiều tình tiết giảm nhẹ mới: nhân thân tốt, vi phạm lần đầu và bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Vì vậy, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo H. 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng. H. bày tỏ: “Bị cáo xin cảm ơn pháp luật đã khoan hồng. Bị cáo hứa sẽ không bao giờ tái phạm, cố gắng phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Vụ việc của H. là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người trẻ, không vì lòng tham, phút giây suy nghĩ lệch lạc mà có hành vi vi phạm pháp luật, để rồi bản thân phải mang trong mình bản án, ảnh hưởng đến gia đình và người thân.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.