Pháp luật

Cảnh giác với hành vi lừa đảo vi phạm giao thông

08:41, 06/07/2021 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tình trạng giả mạo cán bộ gọi điện đến người dân thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông đang diễn biến phức tạp. Nhiều người vì mất cảnh giác đã rơi vào “bẫy” của một nhóm đối tượng, dẫn đến bị lừa hết tiền bạc.

Mạo danh để lừa đảo

Ngày 16-6 vừa qua, Công an quận Liên Chiểu bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Đà Nẵng) thụ lý việc một nữ sinh viên bị lừa hơn 800 triệu đồng bằng thủ đoạn giả danh Cảnh sát giao thông (CSGT) điện thoại yêu cầu xử lý phạt nguội vi phạm giao thông. Cụ thể, sáng 8-6, N.T.N.Y (24 tuổi, sinh viên tạm trú tại ký túc xá phía tây (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận được cuộc gọi lạ từ số máy 0904.746... tự xưng là CSGT thông báo chị bị phạt nguội.

Người này nói, chị Y. điều khiển ô-tô gây tai nạn rồi bỏ trốn, bị camera phạt nguội ghi lại. Chị Y. chưa hết ngạc nhiên thì nhận được cuộc gọi khác từ số máy 8832363822..., tự xưng là điều tra viên Công an thành phố Đà Nẵng yêu cầu giải trình về tài sản, nguồn gốc tiền bạc trong tài khoản. Bị dọa khởi tố, bắt giam, chị Y. sợ hãi làm theo hướng dẫn, đăng nhập thông tin tài khoản vào một đường link, cùng nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049. Sau đó, 837 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Y. đã... biến mất.

Đây là một trong nhiều vụ giả danh cán bộ gọi điện thoại thông báo xử lý vi phạm giao thông để lừa đảo. Trước đó, vào ngày 1-6, anh L.N.A (trú quận Hải Châu) nhận được điện thoại từ số máy + 8812363773... gọi đến tự xưng là cán bộ Sở Giao thông vận tải yêu cầu cung cấp thông tin vì anh đã thuê xe tự lái vào ngày 1-4-2021 chạy quá tốc độ và gây tai nạn. Vì chưa bao giờ thuê xe tự lái nên anh L. đã lên trang thông tin CSGT Đà Nẵng cầu cứu.

Cũng trong ngày 1-6, anh P. (trú quận Sơn Trà) nhận được cuộc gọi từ số máy +33940539... thông báo anh đã vi phạm trật tự an toàn giao thông và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để điều tra nếu không thì bị khởi tố đi tù...

Còn rất nhiều nạn nhân khác bị các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn như trên. Ngày 28-4, trang thông tin của Cục CSGT, Bộ Công an đã đăng tải nội dung cảnh báo về vấn đề này. Theo đó, khoảng một tháng gần đây, trực ban của Cục CSGT liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh việc bị những số điện thoại lạ (+84 906.077.811; +84 906.071.895… và số điện thoại không xác định) gọi đến tự xưng là số tổng đài CSGT (Cục CSGT, Phòng CSGT Công an Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Kẻ lừa đảo tự xưng là tổng đài viên của CSGT, hỏi: Anh (chị) đã nhận được biên bản xử phạt chưa hoặc anh (chị) gây tai nạn giao thông (có thời gian, địa điểm)… đến nay đã quá thời hạn xử lý, đề nghị anh (chị) cung cấp số biên bản. Nếu chưa nhận được biên bản, yêu cầu anh (chị) cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để CSGT cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt…”.

Cục CSGT khẳng định, các đơn vị CSGT không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Người dân phải hết sức cảnh giác

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Lê Văn Trung cho biết, gần đây, sở nhận được thông tin phản ánh của người dân (qua điện thoại) về việc có nhiều đối tượng giả mạo cán bộ Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố,… gọi điện thoại thông báo về việc công dân vi phạm trật tự ATGT, gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn. Sau đó đe dọa và yêu cầu tổ chức, công dân cung cấp thông tin cá nhân như: CMND, họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú.

Vì vậy, sở khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Theo quy định hiện hành, khi có yêu cầu làm việc, thông báo các trường hợp vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền xử lý, Thanh tra sở sẽ gửi giấy mời, thông báo vi phạm bằng văn bản và làm việc trực tiếp, không làm việc qua điện thoại.

Theo Cục CSGT, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự ATGT được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (hay còn gọi là “phạt nguội”). Hoặc chủ phương tiện được Công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của CSGT, hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.

Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị CSGT ra thông báo để làm việc. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này. Khi nhận được điện thoại hay tin nhắn có những nội dung trên, hãy thông tin trình báo tại cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại trực ban của các Phòng CSGT, Cục CSGT tại http://www.csgt.vn/tintuc/3075/So-DT-Duong-day-nong-cua-Cuc-CSGT-va-Cac-dia-phuong.html.

THÀNH LÂN

.