Nỗi đau nhân đôi của người mẹ

.

Ở tuổi xế chiều, gia tài lớn nhất của bà M. là gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn... Nhưng rồi tất cả bỗng chốc vỡ tan khi hai người con trai cùng lúc vướng vào tù tội.

Gia đình nghèo, đông con nên vợ chồng bà N.T.M (SN 1959, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) luôn động viên nhau cần cù làm ăn, tảo tần nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn để mai này về già có nơi nương tựa. Nhưng điều bà chẳng thể ngờ tới, hai người con trai bà thương yêu, gửi gắm hy vọng lại chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà người mang tội “Giết người”, người vào tù khi bao che cho hành vi của anh trai.

Trước đó, T.H.B (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) cùng một số người bạn đi nhậu tại một quán trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu). Tại đây, nhóm của T.Đ.Q (SN 1974, cùng trú quận Liên Chiểu) cũng đang ngồi nhậu ở bàn kế bên.

Nghe bạn mình nói về việc nợ tiền, muốn chứng tỏ trong mắt bạn bè, Q. qua bàn B. để đòi nợ giùm. Giữa Q. và B. xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau, Q. đánh vào mặt B. một cái nhưng không gây thương tích. Nhóm của B. ngay sau đó giải tán cuộc nhậu. Lúc B. đi về, nhóm của Q. về nhà lấy cây dao tự chế và cây búa đinh chuẩn bị sẵn phòng trường hợp B. quay lại đánh.

Về phía B, về tới nhà nhưng “lửa giận” kết hợp với “ma men” trong người nên B. cầm theo dao giấu trong áo, quay lại quán để đánh Q. Đúng lúc này, T.H.H (SN 1993, cùng trú quận Liên Chiểu) là em ruột của B. vừa đi làm về. B. nhờ H. chở đi có việc, H. có hỏi nhưng B. không nói là đi đâu. Sau đó, H. chở B. đến quán. Tới nơi, B. chém nhiều nhát vào người đối phương rồi bỏ đi, còn Q. được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Kết luận giám định thương tích cho thấy T.Đ.Q chịu tỷ lệ tổn thương 52%. Đối với H., mãi tới khi thấy B. vừa chạy vào quán vừa rút con dao giấu trong người ra mới biết anh mình đi đánh nhau. H. chạy vào để can ngăn B. nhưng không kịp. Sau đó, H. chở B. đi đến đoạn Nguyễn Tất Thành - Hồ Tùng Mậu, B. nói H. về nhà, còn mình đi bộ vứt cây mã tấu xuống biển và không về. Biết rõ hành vi của anh nhưng sau khi về nhà H. không tố giác hành vi phạm tội của B.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo B. thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình: “Hôm đó nếu không nhậu say, chắc chắn bị cáo không quay trở lại dùng dao đâm bị hại. Trước giờ bị cáo chưa bao giờ mất kiểm soát như vậy. Em trai bị cáo không biết bị cáo đi đánh nhau cũng bị liên lụy. Bị cáo thật sự rất ân hận”. B. vừa dứt lời thì phía dưới hội trường, một cánh tay gầy guộc chỉ kịp đưa lên cao rồi cả người từ từ trượt xuống.

Từ lúc sự việc xảy ra, bà M. suy sụp, nằm liệt giường nhiều tháng nay. Bà vẫn chưa thể tin được đứa con hiền lành, hiếu thảo có thể gây ra cớ sự như vậy. Khi trực tiếp nghe lời nhận tội từ con, bà ngất xỉu ngay trong phòng xử án.

“Khi thực hiện hành vi của mình, bị cáo có nghĩ về cha mẹ, có thấy dáng còm cõi của mẹ không? Bị cáo đã phụng dưỡng được mẹ mình ngày nào chưa? Bị cáo như vậy liệu mẹ có sống được hay không? Còn về bị cáo H., dù biết “anh em như thể tay chân”, yêu thương, đùm bọc nhau trong cuộc sống là điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà có thể bao che cho hành vi phạm tội của anh trai”, chủ tọa phiên tòa nói.

Hội đồng xét xử tuyên phạt T.H.B mức án 11 năm tù về tội “Giết người”, T.H.H 6 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. Đối với những việc gây ra, B. phải gánh chịu hậu quả là điều đương nhiên. Nhưng đằng sau đứa con lầm đường lạc lối, nỗi đau, day dứt mãi mãi đeo đẵng bậc làm cha mẹ. Đến tuổi xế chiều, họ vẫn không có được ngày tháng yên vui trọn vẹn, cùng lúc nỗi đau nhân đôi khi chứng kiến cảnh hai đứa con chịu sự trừng phạt của pháp luật.

TÂM AN

;
;
.
.
.
.
.