Quan tâm giáo dục con trẻ

.

Từ đầu năm 2021, lực lượng chức năng thành phố phát hiện nhiều vụ thanh thiếu niên, cá biệt có những em đang còn lứa tuổi học trò, có hành vi sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, gây bất ổn về an ninh, trật tự. Điển hình như đêm 30-9, lực lượng Cảnh sát 911 Công an thành phố nổ súng để trấn áp các đối tượng đang trên đường đi giải quyết mâu thuẫn, thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm. Sự vào cuộc nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời của lực lượng chức năng đã chặn đứng các mối nguy cho xã hội, được người dân tin tưởng.

Đến thời điểm hiện nay, các vụ việc thanh thiếu niên hẹn giải quyết mâu thuẫn chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, song là hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh trong việc quan tâm giáo dục con cái. Bởi trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, ngoài những mặt tích cực của nền tảng mạng xã hội mang lại, những thông tin độc, xấu có sự tác động rất nguy hiểm đến giới trẻ, khiến các em có hành vi lệch lạc, bắt chước các kiểu thanh toán, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Chẳng hạn như vụ việc học sinh một trường THCS ở quận Thanh Khê vì nghiện game bạo lực đã vô cớ dùng dao đâm chém hai người dân, gây náo loạn cả khu vực tối 30-8. Qua làm việc, cơ quan chức năng nhận thấy em này có những biểu hiện tâm lý không bình thường.

Một cán bộ của Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an) cho biết, ngoài các yếu tố về gia đình (cha mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm giáo dục của người thân…), do tác động xấu của mạng xã hội, nhiều thiếu niên học đòi phim ảnh trên mạng xã hội, giải quyết mâu thuẫn theo kiểu băng nhóm, dẫn đến vi phạm pháp luật. Nếu gia đình quan tâm, chăm lo các em thường xuyên thì sớm ngăn chặn được tình trạng này.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, thời gian qua, các đơn vị, trường học chú trọng giáo dục các kỹ năng mềm, cách sử dụng mạng xã hội… cho học sinh, nhằm giúp các em miễn dịch với những cái xấu. Các cuộc thi liên quan đến những nội dung này cũng được các đơn vị, trường học thường xuyên tổ chức để tạo sự lan tỏa trong các em. Riêng ở trường học, ban giám hiệu các trường cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của nhà trường, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, giám sát việc con em mình sử dụng điện thoại thông minh. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em khi có biểu hiện tham gia, sử dụng những chương trình, trò chơi có ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách.

PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.