Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết không đúng tôn chỉ mục đích trên một số ấn phẩm, chuyên trang. Ngoài ra, báo đã đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết.
Bản PDF của Báo Pháp luật Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngày 24-6, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kết luận thanh tra tại Báo Pháp luật Việt Nam sau hàng loạt các sai phạm tại cơ quan này.
Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016, trong đó có 2 bài viết gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Báo Pháp luật Việt Nam còn đăng tải nhiều bài viết không đúng tôn chỉ mục đích trên một số ấn phẩm, chuyên trang, đặc biệt là chuyên trang Pháp luật Sao, làm cho người đọc hiểu đây là chuyên trang giải trí, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của chuyên trang được quy định trong giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.
“Việc thông tin mang tính suy diễn, không thống nhất cũng gây dư luận nghi ngờ trong hoạt động tác nghiệp báo chí, thể hiện lãnh đạo báo chưa thực hiện tốt việc kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải,” thông tin từ Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Báo Pháp luật Việt Nam còn vi phạm hàng loạt các quy định của Luật Báo chí năm 2016 như: Đăng tải nhiều bài viết có tính chất giật gân, câu khách, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; nội dung các chuyên trang có sự trùng lặp với nhau và trùng lặp với nội dung của Báo Pháp luật Việt Nam điện tử; đăng tải bài viết quy kết tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho một cá nhân khi chưa có bản án của tòa án…
Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan đến nội dung thông tin đăng tải trên báo và hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Tuy nhiên, việc giải quyết đơn thư còn nhiều bất cập, chưa đúng quy định pháp luật.
Tình trạng đơn thư phát sinh thường xuyên, kéo dài trong thời kỳ thanh tra là biểu hiện cho thấy công tác biên tập, kiểm duyệt nội dung, công tác quản lý hoạt động tác nghiệp chưa tốt, chưa chặt chẽ, gây bức xúc cho đối tượng phản ánh.
Từ kết luận này, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Pháp luật Việt Nam là Bộ Tư pháp chỉ đạo, giám sát việc chấp hành nghiêm nội dung kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả thực hiện sẽ được báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó sẽ có quyết định cụ thể mức phạt.
Theo vietnamplus.vn