Chôn vùi tuổi trẻ vì nóng giận

.

Giọt nước mắt hối hận, nỗi xót xa của người ở lại và cái nhìn đau đáu tìm về người thân… Là những hình ảnh xuất hiện tại phiên xét xử sơ thẩm về tội “Giết người” do Tòa án nhân dân thành phố tổ chức mới đây.

Là con út trong gia đình có hai anh em, P.V.H (SN 2005, trú quận Ngũ Hành Sơn) được ba mẹ chăm lo và dành nhiều tình thương. Tuy nhiên, H. không lấy đó làm điểm tựa để cố gắng học tập, trái lại thường xuyên lêu lổng. Và chỉ vì phút bốc đồng và háo thắng, H. gây nên tội lỗi, bước vào vòng lao lý khi tuổi đời còn khá trẻ. Ngày ra tòa, H. hướng mắt nhìn đôi vợ chồng ngồi phía sau với khuôn mặt âu sầu, giàn giụa nước mắt. Họ là ba mẹ của H. và bị hại. Phiên tòa diễn ra, H. bước lên bàn khai báo trình bày toàn bộ diễn biến vụ việc, đồng thời gửi đến gia đình bị hại lời xin lỗi chân thành và mong được tha thứ. Trong phiên xét xử, ai nấy tham dự đều cảm nhận rõ sự ân hận của bị cáo và sự đau khổ của người thân bị hại.

Chiều 12-11-2021, H. được bạn rủ đến quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Tứ (quận Cẩm Lệ) để giải quyết công việc. Tại đây, vì muốn thể hiện, H. và N.T.Đ (SN 2008, trú quận Liên Chiều) xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, N.T.Đ và P.H.T.Đ điều khiển xe máy bỏ đi. Khoảng 15 giờ 20 cùng ngày, P.H.T.Đ, N.T.Đ và T.B (SN 2007, trú quận Liên Chiểu) quay lại quán cà phê. Tại đây, P.H.T.Đ và T.B đứng bên ngoài, N.T.Đ chạy vào quán, cầm dao tự chế đuổi chém H. Trong lúc bị đuổi chém, H. dùng dao bấm mang theo sẵn trong người đâm liên tiếp 5 nhát vào vùng nguy hiểm của N.T.Đ, khiến nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó, H. tiếp tục dùng dao đâm hai nhát vào thành ngực trái và giữa cột sống thắt lưng của T.B, gây thương tích 2%.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng nguyên nhân không có gì to tát nhưng vì tính bốc đồng của những người liên quan đã gây nên hậu quả đáng tiếc, một người phải ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn rất trẻ, người còn lại rơi vào cảnh tù tội. Vậy thì liệu có đáng không?. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay bối rối đan chặt vào nhau, bị cáo H. lắc đầu. Thỉnh thoảng, chàng trai dáng vẻ thư sinh lấy cặp kính cận ra, lau vội những giọt nước mắt muộn màng...

Suốt quá trình ngồi nghe con khai trước tòa, nước mắt ông P.V.T và bà Đ.T.K.L (ba mẹ của bị cáo P.V.H) và ba mẹ, người thân của bị hại cứ rơi. Có thể khẳng định rằng, bạo lực bao giờ cũng để lại hậu quả đáng tiếc, đó là thương tật, tù tội thậm chí tử vong nhưng nhiều người vẫn vướng phải. Vụ án trên tiếp tục là bài học đắt giá để mỗi người tự soi rọi và học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để tránh hậu quả đáng tiếc. Khi được nói lời sau cùng, H. bày tỏ: “Chỉ vì muốn thể hiện bản thân, bị cáo đánh mất tương lai và gây buồn khổ cho ba mẹ. Mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Bị cáo hy vọng những bạn trẻ hãy tránh xa bạo lực, chú tâm học tập để không phải hối hận về sau”. Sau khi xem xét các quy định của pháp luật và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố tuyên phạt bị cáo P.V.H 15 năm tù về tội “Giết người”.

Một điều đáng suy ngẫm là những năm gần đây xảy ra nhiều vụ án cố ý gây thương tích và giết người chỉ vì các mâu thuẫn nhỏ rất nhỏ trong đời sống xã hội. Các vụ xét xử tội phạm thành niên và vị thành niên liên quan đến những vấn đề trên cũng ngày càng nhiều. Mỗi vụ án là một câu chuyện đáng quan tâm về giáo dục đạo đức, pháp luật hiện nay. Nhiều bị cáo tuổi đời còn rất trẻ đã rơi vào vòng lao lý, để lại nỗi đau đeo đẳng trong từng bữa ăn, giấc ngủ như những vết thương suốt đời không bao giờ lành được cho những người trong cuộc...

Để giảm những vụ án kiểu này, các bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình trong giao tiếp, ứng xử một cách tế nhị, nhẹ nhàng; không nên quá tức giận, không kiềm chế được bản thân hành động nông nổi để rồi phải gáng chịu hậu quả đau lòng. Bên cạnh đó, nhà trường và ban ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền pháp luật để các trẻ có thêm kiến thức pháp luật, tự nhận thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.